Mai một nghề đan võng của người Cadong

Mai một nghề đan võng của người Cadong
Chỉ còn số ít người lớn tuổi gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, cố gắng giữ nghề đang dần mai một. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn
Chỉ còn số ít người lớn tuổi gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, cố gắng giữ nghề đang dần mai một. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Nghề đan võng từ cây sa ri là kỳ công, là tài hoa của đôi bàn tay bà con dân tộc Cadong, và nó được xem như một nghề thủ công truyền thống đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của người Ca dong trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Đến với vùng đất dưới chân núi Ngọc Linh, nơi định cư lâu đời của tộc người Cadong, chúng ta thường bắt gặp những người già, phụ nữ, trẻ em… thường nằm trên chiếc võng đu đưa dưới những mái hiên nhà sàn. Bà Hồ Thị Chơn, dân tộc Cadong, hiện sống tại thôn 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là một trong những người còn giữ nghề đan võng của dân tộc mình.

Bà kể, ngay từ lúc còn nhỏ, cũng như bao người con gái Cadong khác trong làng, bà đã được làm quen với chiếc võng từ cây sa ri, và được mẹ truyền dạy cho nghề đan võng từ đó. Nhưng cũng phải mất vài năm bà mới có thể đan thành thạo một chiếc võng.

Cây sa ri là loài cây thân gỗ, vỏ màu xám, nứt dọc, mọc rất nhiều ven những con suối lớn quanh địa vực mà người Cadong sinh sống. Xưa, người Cadong đã phát hiện ra đặc tính của thân cây sa ri, nên đã sử dụng vỏ của nó làm áo, váy, khố, chăn đắp, dùng làm dây cột nhà, làm võng. Hằng năm, vào khoảng tháng 7, tháng 8, khi cây sa ri trổ hoa, đây là thời gian duy nhất để người đàn ông Cadong vào rừng tìm cây sa ri về làm võng.

Khi những cây sa ri lần lượt nở hoa thì vỏ và xơ của nó rất mềm nên việc khai thác được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bà Chơn, khi chọn cây sa ri cũng không chọn cây nhỏ quá, mà nên chọn cây lớn thì vỏ mới có độ bền cao. Cây sa ri khi khai thác về, bà con dùng cây đập vỏ, đem ra suối ngâm chừng 10 ngày cho vỏ tiết hết chất đắng. Sau đó vớt lên, tiếp tục dùng cây đập lớp vỏ xơ này cho đến khi mềm, rồi dùng tay tước từng lớp xơ này ra. Đây là lớp có nhiều xơ màu trắng đục, đem giặt sạch rồi tước thành từng sợi mang ra phơi nắng, đến khi thật khô là có thể đan võng.

Qua bàn tay cần mẫn của bà Chơn, những sợi sa ri mỏng được se vào nhau kết nối thành những sợi dài. Bà khéo léo, tỉ mẩn bện chúng thành nhiều đốt xoen, đến mắt võng đều tăm tắp. Một cái võng được đan từ cây sa ri gồm có hai đầu võng. Khi tạo được một đầu rồi, thì đầu võng thứ hai dễ hơn vì chỉ cần để dư múi ra rồi thắt nó lại.

Để cột được đầu võng, người đan phải đan theo chiều dài khoảng mười mấy múi dây. Không được để múi dây chẵn vì sẽ không có cái múi dây dư ra để cột thành đầu võng. Khi đan võng, người đan nó tuyệt đối không được đan lỗi. Vì khi đã bị lỗi, thì chiếc võng nhìn trông như mớ bùi nhùi, muốn gỡ ra cũng không được.

Đàn ông, thanh niên, đàn bà và con gái Cadong ai cũng biết đan võng. Võng sa ri được người Cadong đan theo kỹ thuật riêng biệt và hoàn toàn thủ công. Quy trình đan võng này thật công phu, đòi hỏi người đan không những khéo léo mà còn phải kiên trì, bền bỉ. Do đó, phải mất khoảng 2 tháng, người đan mới có thể hoàn thành chiếc võng. Một chiếc võng đan đúng cách, đẹp có độ bền tới 10 năm. Nhưng chủ yếu để trao đổi với các dân tộc khác trong vùng.

Chiếc võng được làm ra từ cây sa ri không chỉ nói lên sự cần cù, sáng tạo của người Cadong mà còn mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, như một hình ảnh đặc trưng văn hóa của người Cadong nơi núi rừng Trường Sơn. So với các loại võng khác, võng làm từ cây sa ri rất bền và khi nằm cảm giác rất dễ chịu. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, nghề đan võng từ cây sa ri này chỉ còn lay lắt trong đôi tay của một số người lớn tuổi.

Ngồi kể chuyện nghề cha ông mình, bà Chơn trầm ngâm nhớ lại những tháng năm xưa cũ, khi nghề đan võng sa ri còn ở thời hoàng kim. Bắt đầu làm nghề từ khi 15 tuổi, đến nay bà Chơn đã hơn 60 năm gắn bó với cái nghề truyền thống này.

Những người biết đan võng như bà còn rất ít. Bà bảo, học đan võng từ cây sa ri không hề đơn giản, đòi hỏi người học phải kiên trì nhìn cách đan mà nhớ chứ bày chỉ thì rất khó. Có lẽ vì sự phức tạp và nhiều công đoạn ấy mà rất ít người Cadong ngày nay học được nghề này. Người lớn thì tập trung thời gian đi làm trên rẫy, ngày mùa bận rộn đã chiếm hết thời gian, còn bọn trẻ thì tập trung hết vào học hành. Lớp trẻ giờ chẳng còn ai theo học, chỉ còn số ít người lớn tuổi gắn bó với nghề truyền thống của cha ông để cố gắng giữ nghề đang dần mai một.

Trước khi chúng tôi rời huyện vùng cao Bắc Trà My để về lại dưới xuôi, bà Hồ Thị Chơn đã nhượng lại cho Bảo tàng Quảng Nam chiếc võng mà bà vừa đan xong từ cây sa ri, như minh chứng về nghề đan võng truyền thống của dân tộc mình. Những cán bộ làm công tác văn hóa hôm ấy rất đỗi vui mừng vì đã có thêm hiện vật dân tộc vào loại quý hiếm để trưng bày, góp phần làm phong phú hơn trong kho tàng văn hóa vật thể - phi vật thể của cộng đồng dân tộc Cadong trên vùng Trường Sơn. Mong một ngày không xa, nghề đan võng truyền thống từ cây sa ri của dân tộc Ca dong sẽ hưng thịnh trở lại như xưa.
Theo baodanang.vn

Có thể bạn quan tâm