Liên kết phát triển bền vững ngành hàng cá cảnh

Liên kết phát triển bền vững ngành hàng cá cảnh
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành cá cảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nội tại ngành cá cảnh vẫn còn những điểm nghẽn cần được tháo gỡ, mới có thể phát triển bền vững.
Nghệ nhân và khách tham quan trao đổi về các giống cá cảnh tại Ngày hội cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, diễn ra từ ngày 20-24/9. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Nghệ nhân và khách tham quan trao đổi về các giống cá cảnh tại Ngày hội cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, diễn ra từ ngày 20-24/9. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
 
Giá trị xuất khẩu lớn nhưng chưa có thương hiệu
Cá cảnh là một trong những lĩnh vực nông nghiệp đô thị quan trọng, phục vụ cho nhu cầu giải trí của người tiêu dùng cả nước và thế giới. Đây là loại hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và có nhiều tiềm năng phát triển.
 
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí minh cho biết, tính đến tháng 8/2018, toàn thành phố có hơn 20 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu cá cảnh đến các quốc gia trên thế giới.

Diện tích sản xuất, nuôi cá cảnh của Thành phố Hồ Chí Minh là 88 ha, với hơn 290 cơ sở/hộ nuôi, tập trung tại các quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh..., nơi có diện tích sản xuất lớn nhất là huyện Bình Chánh, 55 ha với 110 cơ sở sản xuất.
 
Tổng sản lượng cá cảnh năm 2017 đạt 155 triệu con, tăng gần 15% so với năm 2016. Tổng sản lượng cá cảnh xuất khẩu trong năm 2017 đạt hơn 18 triệu con, tăng gần 14% so với năm 2016, đạt kim ngạch 20 triệu USD, chiếm hơn 3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Các chủng loại cá cảnh xuất khẩu chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, Koi, bảy màu, hòa lan, hồng kim, bạch kim, bình tích, trân châu, mô ly, xiêm, ông tiên, ba đuôi, ngựa vằn, la hán, tai tượng, cánh buồm, phượng hoàng,…
 
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, thị trường, đầu mối giao thương, xuất khẩu của ngành cá cảnh thành phố. Hạn chế lớn hiện nay của ngành cá cảnh chính là toàn ngành chưa tổ chức liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu mua, bán lẻ, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cá cảnh Việt Nam.
 
Đánh giá về những hạn chế này, đại diện Chi cục Thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành cá cảnh còn nhiều điểm chưa thể tháo gỡ, bởi hầu hết các hộ nuôi cá cảnh chưa có sự đầu tư đúng mức, phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có.

Hơn nữa, những hộ sản xuất cá cảnh chỉ mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, không tuân thủ quy trình chuẩn được các cán bộ nông nghiệp tại địa phương hướng dẫn. Do đó, vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa được người nuôi quan tâm nhiều, dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao.
 
Thành phố Hồ Chí Minh chưa có một trung tâm giống cá cảnh như các ngành nghề khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu như người nuôi tự nhân giống, hoặc doanh nghiệp phải trực tiếp nhập khẩu giống cá để cung cấp cho người sản xuất trong chuỗi liên kết của mình.

Điều này làm cho quy trình chọn giống, sản xuất, lai tạo giống mới với chế độ dinh dưỡng phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sản phẩm cá cảnh nổi trội trên thị trường hiện nay.
 
Liên kết để ngành cá cảnh phát triển
Trước những khó khăn mà ngành cá cảnh đang gặp phải, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành cho rằng, ngành cá cảnh muốn phát triển mạnh trong tương lai, trước mắt phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, doanh nghiệp và thị trường.

Có ý kiến cho rằng, một số người nuôi cá cảnh chỉ mới được đào tạo về kỹ thuật nuôi cá cảnh, những kỹ năng khác về ngành nghề cá cảnh, họ hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Các cơ quan chức năng, Hội sinh vật cảnh và doanh nghiệp phải là đơn vị định hướng thị trường, cung cấp thông tin về chủng loài được ưa chuộng, kỹ thuật sản xuất mới và xu hướng người tiêu dùng cho người nuôi cá cảnh. Như vậy, các bên trong ngành sản xuất cá cảnh mới tạo nên chuỗi liên kết liên hoàn để phát triển mạnh mẽ hơn.
 
Theo ông Trần Viết Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hội sinh vật cảnh Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, thành phố cung ứng 90% sản lượng cá cảnh phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhưng hiện nay, các tỉnh khác như Long An, Đồng Nai đã cùng tham gia vào chuỗi sản xuất cá cảnh, nâng tỉ lệ lên 40% sản lượng cá cảnh cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 60%.
 
Với đà phát triển này, trong tương lai sẽ có thêm nhiều địa phương tham gia vào chuỗi sản xuất cá cảnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, việc hình thanh trung tâm mua bán sinh vật cảnh và cá cảnh là yêu cầu được đặt ra, là nơi giao thương cá cảnh cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, trại cá cảnh.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm cơ chế, chính sách để ngành cá cảnh phát triển như điều kiện tiếp cận nguồn vốn phát triển nghề nuôi cá cảnh, tăng cơ chế quảng bá và tiêu thụ cá cảnh, xây dựng một trung tâm giống cá cảnh để phục vụ cho sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng,…
 
Ông Tống Hữu Châu, chủ trại cá Châu Tống, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ngành cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước cần có một siêu thị cá cảnh để người tiêu dùng có thể tiếp cận nhanh nhất các chủng loại cá mới.

Ngoài ra, song song với các gian hàng trưng bày cá cảnh, siêu thị cá cảnh, thương mại điện tử đang trở thành phương pháp tiếp cận tốt nhất, nhanh nhất đến với người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế.

Mỗi doanh nghiệp sản xuất, thương mại và xuất khẩu cá cảnh đều có trang web riêng để phục vụ khách hàng, nhưng toàn ngành cá cảnh cũng cần có một website  tổng quan để cung cấp thông tin chủng loài mới, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, sản xuất và kết nối người nuôi với người tiêu dùng cá cảnh./.
  Hồng Nhung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm