Lào Cai: Ưu tiên lựa chọn hàng Việt từ các sản phẩm OCOP

Rất nhiều hàng Việt là các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã và đang được người dân và du khách đến Lào Cai ưu tiên lựa chọn. Đây không chỉ là kết quả từ những nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại mà còn là sự đổi mới, linh hoạt của các doanh nghiệp trong nắm bắt xu hướng thị trường. Trên hết, đó là sự nhận thức sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền địa phương về tầm quan trọng của OCOP trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo tại địa phương.

vna_potal_lao_cai_co_hon_200_san_pham_dat_tieu_chuan_ocop_7425050.jpg
Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Lào Cai được bán rộng rãi đến người dân. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Điểm sáng Bảo Thắng

Bảo Thắng đang là địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP của Lào Cai. Trong 6 năm qua, việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP được huyện Bảo Thắng xác định là một giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế và phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua 6 năm thực hiện chương trình, tính đến nay, toàn huyện đang có 39 sản phẩm OCOP được công nhận (còn thời hạn) của 22 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình. Các sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành hàng như: chè, quế, sản phẩm có múi, mật ong, đồ uống, dược liệu... Đây đều là các sản phẩm đặc sản, truyền thống, lợi thế của địa phương đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng yêu thích, đón nhận.

Tham gia chương trình mỗi xã 1 sản phẩm từ những năm đầu tiên, Hợp tác xã Nông sản và Dược liệu Mạnh Hương (xã Gia Phú) hiện có 6 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh và có 5 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó có 2 sản phẩm cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt chứng nhận cấp khu vực phía Bắc. Đến nay, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động và hơn 100 lao động thời vụ. Tổng vốn hoạt động là 2,5 tỷ đồng, doanh thu năm 2023 là 5,8 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 28 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản và Dược liệu Mạnh Hương chia sẻ, hợp tác xã nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt nên đã chủ động tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm... để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, hợp tác xã tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm, tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh thu hút và mở rộng hệ thống phân phối đưa hàng hoá thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng cả nước.

Hiện, toàn huyện Bảo Thắng đã có 39 sản phẩm OCOP (còn thời hạn) đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm 4 sao (bưởi Múc xã Thái Niên). Trong 6 tháng đầu năm các xã, thị trấn đã tổ chức rà soát, dự kiến có 15 sản phẩm mới tiềm năng, để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024.

Chương trình OCOP ở Bảo Thắng thời gian qua đang từng bước trở thành động lực để phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 114 triệu đồng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị các sản phẩm OCOP đạt hơn 30 tỷ đồng, góp phần tích cực xây nông thôn mới và nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân.

Lào Cai hiện có 205 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao với số lượng 100 chủ thể. Các doanh nghiệp Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các sản phẩm OCOP ngày càng đến gần người tiêu dùng với đa dạng kênh phân phối.

Đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm

Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của Lào Cai hiện có 8 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được đặt ở những vị trí thuận lợi, thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm sản phẩm và mua làm quà biếu.

Đã thành thói quen, mỗi khi đi du lịch trong nước, chị Hoàng Minh Ngân và gia đình (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ chọn mua sản phẩm địa phương nếu được dán nhãn OCOP. Lần này đến Sa Pa cũng không ngoại lệ. Chị cho biết, mua ở điểm giới thiệu thì không phải lo lắng về chất lượng, giá cả, các mặt hàng phong phú tha hồ lựa. "Yên tâm nhất là quà mua về biếu tặng không lo là hàng nhái, hàng kém chất lượng", chị Ngân chia sẻ.

Vừa qua, Bưu điện tỉnh Lào Cai đã khai trương gian hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP tại Bưu cục Cửa khẩu Lào Cai. Đây là gian hàng đầu tiên trong chuỗi gian hàng sẽ được Bưu điện tỉnh triển khai nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh.

Gian hàng sản phẩm OCOP tại Bưu cục Cửa khẩu trưng bày 205 sản phẩm; trong đó, 130 sản phẩm có chứng nhận OCOP như mật ong núi đá, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy (Bảo Thắng); trà túi lọc atiso, nước tắm người Dao (Sa Pa); trà Ô long, tương ớt (Mường Khương); miến đao sâm (Bát Xát); chẩm chéo (Bảo Yên), gạo Séng cù, rượu… Việc Bưu điện tỉnh đưa chuỗi cửa hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP vào hoạt động ngay tại khu vực biên giới bước đầu được người dân trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao. Đây cũng là tiền đề để Bưu điện tỉnh phối hợp với các đối tác đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử buudien.vn trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, thương mại điện tử là một hình thức đang được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ứng dụng trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 86% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại; 96% sản phẩm OCOP (196 sản phẩm) được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quản lý chuỗi nông sản an toàn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia các hệ thống để minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được tỉnh duy trì hiệu quả.

Trong đó, hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 104 doanh nghiệp/hợp tác xã với 328 dòng sản phẩm được minh bạch thông tin, rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với 201 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và 350 sản phẩm tham hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại; Hệ thống phần mềm quản lý chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 156 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận hỗ trợ công tác quản lý giám sát chất lượng các sản phẩm trong chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của Lào Cai cũng đã được giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, cụ thể như: Sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; Hội chợ OCOP Quảng Ninh; tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại Thành phố Hồ Chí Minh; hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 19 trong khuôn khổ Festival bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam; tổ chức Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại Hà Nội; tổ chức Tuần hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại Lào Cai; tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam tổ chức tại Hà Nội; Hội chợ – Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ lần X...

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 240 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Do đó, kết nối giao thương và xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP; hỗ trợ chuyển đổi số, quảng bá xúc tiến thương mại điện tử cho chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP sẽ ngày càng phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm