Lào Cai từng bước giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Buổi sinh hoạt câu lạc bộ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Pa Cheo. Ảnh: laocaitv.vn
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Pa Cheo. Ảnh: laocaitv.vn

Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết... luôn là vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống của đồng bào vùng cao, nhưng để giải quyết triệt để vấn nạn này thì không thể trong một sớm, một chiều.

Năm 2019, vừa chuyển cấp vào Trung học Phổ thông, Hảng Thị Mai, thôn Lênh Sui, xã Lùng Thẩn, Si Ma Cai, Lào Cai bỗng nhiên đòi nghỉ học, nếu không có sự khuyên nhủ, can ngăn kịp thời của gia đình thì Mai đã bỏ học theo chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Trước ý định lập gia đình sớm của con gái út, ông Hảng Seo Dùng, bố của Mai hết sức trăn trở. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ thôn bản trước kia cùng sự lo lắng cho tương lai của con gái, ông Hảng Seo Dùng và vợ đã khuyên nhủ con từ bỏ ý định, quay trở lại trường học.

Ông Dùng chia sẻ, ông trăn trở rất nhiều vì mình nguyên là cán bộ thôn đi tuyên truyền cho dân suốt mà gia đình lại không gương mẫu. Nên ông đã khuyên nhủ, vận động hai con không được cưới hỏi , phải chờ đủ tuổi, học xong chuyên nghiệp, có công việc đàng hoàng rồi mới bàn chuyện hôn nhân. Sau khi nghe gia đình khuyên nhủ và không được sự hỗ trợ của ông mai bà mối ở địa phương, hai bạn trẻ đã từ bỏ ý định ban đầu.

Những trường hợp có ý định tảo hôn như em Hảng Thị Mai trước đây không phải là hiếm ở vùng cao Si Ma Cai. Tại xã Lùng Thẩn, dù không còn các trường hợp hôn nhân cận huyết từ nhiều năm về trước, song tảo hôn vẫn là một vấn nạn vô cùng nhức nhối. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, địa phương này chưa có cặp nào tảo hôn nào, đó là nhờ những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ máy cán bộ các thôn, bản.

Vận động ông mai, bà mối

Ông Sùng Seo Xóa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lùng Thẩn cho biết, đối với người Mông ở Lùng Thẩn, đám cưới tổ chức không thể thiếu ông mai, bà mối. Vì vậy, ông mai, bà mối sẽ là đối tượng được tuyên truyền vận động đầu tiên. Xã thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai tổ chức các hội nghị gặp mặt các thầy mo, thầy cúng, thầy then, ông mai, bà mối nhằm vận động, tranh thủ lực lượng này cam kết từ chối không xem ngày cưới, ăn hỏi cho đối tượng chưa đủ tuổi kết hôn, góp phần vào việc hạn chế nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Dần dần, nhận thức của bà con nhân dân, những người uy tín, ông mai, bà mối nơi vùng cao Lùng Thẩn về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được nâng cao. Đây là một thành công lớn trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống hủ tục tại địa bàn còn nhiều khó khăn này.

Tại tỉnh Lào Cai, bên cạnh việc quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian qua, Lào Cai đã duy trì các hoạt động, mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn tại nhiều địa bàn như: xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa), xã Tả Củ Tỷ (huyện Bắc Hà), xã Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai)... Các mô hình này đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số địa phương.

Giảm nhưng thiếu bền vững

Bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có xu hướng giảm dần trong hai năm 2018 - 2019.

Năm 2018, toàn tỉnh có 339 người tảo hôn và 6 người kết hôn cận huyết thống. Năm 2019, có 290 người tảo hôn và 2 người kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù Lào Cai không còn trường hợp kết hôn cận huyết song số cặp tảo hôn tăng 161 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018 - 2019. Trong đó, huyện Si Ma Cai có số người tảo hôn cao nhất với 113 người.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn tăng bất thường là do bùng phát dịch COVID-19, dẫn đến giãn cách xã hội và học sinh nghỉ học đúng dịp đầu năm, công tác ngăn chặn và xử lý không được kịp thời, từ đó làm gia tăng tảo hôn. Ngoài ra, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 158-KH/TU ngày 26/7/2018 của Tỉnh ủy Lào Cai về tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2018 - 2020 chỉ rõ, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trong thực hiện cải tạo tập quán lạc hậu nói chung và nạn tảo hôn ở các địa phương nói riêng là do Lào Cai chưa ban hành được các quy định, quy chế, chế tài để có cơ sở thực hiện xử phạt, răn đe. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở một số chi bộ, đảng bộ cơ sở chưa liên tục, thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong thực hiện kế hoạch 158-KH/TU.

Trong thời gian tới, Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025" (theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ). Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, các huyện, thị xã: Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát giảm từ 70% - 80%/năm số lượng người tảo hôn; các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên và thành phố Lào Cai giảm số lượng người tảo hôn từ 85 - 90%/năm và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; phấn đấu giảm từ 70 - 80% đối với nhóm dân tộc H'mông, Dao, giảm từ 85 - 90% đối với nhóm dân tộc Tày, Nùng, Giáy, Phù Lá và 100% các dân tộc khác không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Để đạt được các mục tiêu đó, Lào Cai sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên vận ở cơ sở, già làng, trưởng bản, người uy tín về năng lực tuyên truyền cũng như nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống. Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, vận động nhân dận cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tỉnh ủy Lào Cai cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo quản lý kiểm tra, giám sát, phát hiện những tấm gương điển hình để kịp thời tuyên dương, khen thưởng; đồng thời có hình thức xử phạt công khai, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm