Rà soát việc giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: baodantoc.vn
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: baodantoc.vn

Ngày 15/10, Ủy ban Dân tộc, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả rà soát 5 năm thực hiện Đề án Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống 2015- 2020 và xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn II 2021-2025, với sự tham gia của 70 đại biểu đến từ Ban Dân tộc một số tỉnh, thành và các chuyên gia về bình đẳng giới.

Rà soát việc giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: baodantoc.vn

Tại Hội thảo, bà Vũ Phương Ly, chuyên gia của UN Women cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những biểu hiện rõ ràng về bất bình đẳng giới, vẫn còn tồn tại dai dẳng tại vùng dân tộc thiểu số. Việc thay đổi nhận thức và hành động của các cá nhân trong cộng đồng cần có hệ thống giải pháp tổng thể về phát triển kinh tế -xã hội, đồng bộ, lâu dài và cách thức thực hiện cần phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của từng dân tộc. Tuy nhiên, điều này chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Hồng Hạnh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021- 2025, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cần được đặt trong bối cảnh rộng lớn, đa chiều hơn. Bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình và ở cộng đồng cần được thúc đẩy. Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em gái và trẻ em trai dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, trong đó có tảo hôn cần phải là một ưu tiên quan trọng trong việc thúc đảy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, để đạt được mục tiêu, tạo sự chuyển biến thực sự cần đa dạng hóa, lồng ghép các nguồn lực để cùng phối hợp triển khai. Các địa phương cần làm rõ các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ để tích hợp trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2025.

Theo báo cáo từ các Ban Dân tộc, về cơ bản, tình trạng tảo hồn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm. Tuy nhiên, kết quả này chưa ổn định và giảm đều. Một số tỉnh tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao như: Lâm Đồng, Lào Cai. Theo các đại biểu, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức cũng như các hủ tục lạc hậu trong đời sống...

Tại Hội thảo, một số đại biểu đã nêu một số cách làm, mô hình đang triển khai hiệu quả tại địa phương như: thầy mo, bà mối cam kết không làm lễ với các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi; nhắn tin tuyên truyền qua điện thoại cho các bé gái về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền trong trường học, thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Các đại biểu cũng nhấn mạnh về việc đẩy mạnh vai trò của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền…

Trong nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tồn tại dai dẳng trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những khó khăn với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Kết quả Điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số cho thấy, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7% với năm 2014 (26,6%), tương ứng với mức giảm trung bình khoảng xấp xỉ 1%/năm.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm