Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số.. Ảnh: baodansinh.vn |
Đây là một trong những nội dung thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” và Quyết định 3429 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tổng quan và đánh giá thực trạng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh; tình hình triển khai Đề án; vai trò, trách nhiệm của cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong việc vận động, tư vấn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe và đời sống con người; các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, mục tiêu hoạt động của các mô hình này là tăng cường sự cam kết của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng; lồng ghép các hoạt động can thiệp và các hoạt động khác với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án làm giảm tỷ lệ các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua điều tra giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6/2018, tỉnh có 21.532 cặp kết hôn, trong đó có 466 cặp tảo hôn, chiếm 2,16% so với tổng số các cặp kết hôn. Đồng bào các dân tộc có số cặp tảo hôn chiếm nhiều là Mông, Tày, Dao, Kinh. Đặc biệt, có 3 trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn huyện Võ Nhai. Tuy tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao nhưng hậu quả lại rất nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng dân số, phổ biến như dị tật, mắc bệnh tan máu bẩm sinh...
Thu Hằng