Ngày 2/6, tại Hội nghị sơ kết Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giai đoạn 2019 - 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đánh giá: Chương trình OCOP là nguồn lực mới trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chương trình này được cả hệ thống chính trị và toàn dân đồng tình ủng hộ, tham gia.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gia tăng giá trị nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh được chứng nhận còn ít, đa phần mới chỉ đạt 3 sao.
Quá trình thực hiện Chương trình OCOP một số nơi, địa phương còn lúng túng ở cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Hiện nay, hầu hết các địa phương mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu; sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn nhìn nhận, quy trình và công nghệ chế biến sản phẩm OCOP của tỉnh còn đơn giản, thậm chí lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; sản phẩm chủ yếu sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm còn hạn chế, nhất là vấn đề chuyển đổi số hầu như chưa được áp dụng, ứng dụng. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Đặc biệt là năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất còn yếu nên rất khó khăn về mặt bằng nhà xưởng, chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm bài bản. Câu chuyện về sản phẩm chưa được chú trọng, việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng, hậu kiểm của một số địa phương sau khi đánh giá, phân hạng sản phẩm chưa thường xuyên. Tỉnh có 10 sản phẩm hết hiệu lực công nhận 36 tháng theo quy định.
Hiện tỉnh Lạng Sơn có 84 sản phẩm OCOP; trong đó, 65 sản phẩm 3 sao, 19 sản phẩm 4 sao. Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có 3 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng được đánh giá, phân hạng; ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có khoảng 140 sản phẩm OCOP.
Để đạt được mục tiêu Chương trình OCOP đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục làm tốt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP; phát triển sản phẩm OCOP mới cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao và nâng hạng cho các sản phẩm; nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, chú ý đến yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững bản sắc các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Các chủ thể OCOP quan tâm đến chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; chú ý đến việc thiết kế, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả, thúc đẩy chương trình này phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ, huyện đã vận dụng các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, logo, tem truy xuất nguồn gốc, giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, thị trường tiêu thụ thông qua việc hỗ trợ tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đến hết tháng 5/2023, huyện Cao Lộc đã rà soát và lập được danh sách gần 20 sản phẩm có tiềm năng để xây dựng và từng bước nâng dần chất lượng, phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Ông Hà Văn Mão, đại diện Hợp tác xã Thạch đen Hồng Nhung, huyện Tràng Định cho hay, những năm gần đây, hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử voso, postmart, trên các mạng xã hội… giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Hợp tác xã vẫn duy trì việc tiêu thụ nông sản bình quân từ 15.000 - 20.000 hộp thạch đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Doanh thu năm 2022 đạt hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 900 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ; trong đó, có 15 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng; tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm cây thạch đen cho người nông dân địa phương mỗi năm từ 12 - 15 tấn cây thạch đen khô..
Anh Tuấn