Mô hình sản xuất na an toàn thực phẩm của huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy – TTXVN |
Với những tiềm năng sẵn có từ thổ nhưỡng và khí hậu, huyện Chi Lăng rất khuyến khích các hộ dân chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả phù hợp với cây na sang sản xuất na hoặc tận dụng đất chưa sử dụng có tiềm năng phát triển cây na.
Cùng với đó, để nâng tầm thương hiệu cho na Chi Lăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường nhấn mạnh, huyện đang đẩy mạnh định hướng người dân xây dựng những vườn na mẫu. Với những vườn này, huyện hỗ trợ kinh phí từ 10 - 20 triệu đồng/vườn để người dân thực hiện các quy trình về sản xuất na chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản xuất na an toàn.
Huyện cũng xây dựng phương án quản lý tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm na thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã truy suất đến từng hộ gia đình đã cam kết sản xuất na an toàn trên địa bàn. Đồng thời, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp mở rộng chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục nâng cao thương hiệu na Chi Lăng.
Nông dân huyện Chi Lăng phụ phấn bằng tay cho cây na để có chất lượng quả tốt. Ảnh: Quang Duy - TTXVN |
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhiều chủ vườn tại vùng trồng na thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng tất bật với công việc thụ phấn cho cây na để kịp lứa quả. Theo nhiều nông dân ở đây, việc thụ phấn na sẽ chủ động được mật độ quả, làm tăng chất lượng, bán được giá cao hơn.
Nông dân Hoàng Văn Chức, vùng trồng na thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết, gia đình có 1.200 gốc na được trồng mới từ năm 2008. Cây na được chăm sóc tốt cũng ra nhiều hoa nhưng tỷ lệ ra quả thấp, khó thụ phấn khi có gió, mưa nhiều hay côn trùng quấy phá. Vậy nên gia đình và các chủ vườn khác trong vùng trồng đều chủ động thụ phấn cho na. Trước đó, các chủ vườn cũng được các cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ lưỡng. Chính vì thế vài năm trở lại đây, vườn đều ra quả ổn định, không mất mùa.
Đường tưới tiêu nước cho cây na được nông dân đầu tư bài bản. Ảnh: Quang Duy – TTXVN |
Cây na ở Chi Lăng tỏ ra thích ứng tốt khi trồng trên núi đá, cây sinh trưởng tốt, quả to, vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt hơn trồng ở vùng thấp và ở các địa phương khác.
Ngay từ đầu mùa vụ, các đơn vị nông nghiệp, khuyến nông chuyên môn tại vùng trồng na đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho người dân về quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản na. Theo đó, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây na; khuyến cáo các hộ nông dân đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy pheromone phòng trừ ruồi đục quả na để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn vùng trồng na đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất na thực hiện ký bản cam kết sản xuất na an toàn đối với các cơ sở trồng trọt thuộc địa bàn xã, thị trấn quản lý theo quy định tại Thông tư số 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để xây dựng nhãn hiệu na, huyện Chi Lăng đã tiến hành hỗ trợ bao bì đóng gói sản phẩm cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP; các tổ chức, cá nhân sản xuất theo quy trình được chứng nhận sản phẩm an toàn trên địa bàn.
Na Chi Lăng được trồng chủ yếu trên vùng núi đá. Ảnh: Quang Duy – TTXVN |
Nông dân Vi Văn Viễn, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn – người giàu kinh nghiệm trong chăm sóc na cho biết, nhiều vườn na đã chuyển sang sử dụng các loại phân, thuốc sinh học theo hướng hữu cơ để chăm bón. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ không những tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, tốt cho đất, cho cây mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm bởi tính an toàn.
Hiện nay, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là địa phương có diện tích trồng na tập trung lớn nhất cả nước, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích trồng na tại địa phương này là trên 1.550 ha; sản lượng đạt 15.500 tấn/năm, giá trị thành tiền đạt hơn 460 tỷ đồng. Cây na đã và đang đảm bảo đời sống dân sinh cho khoảng 3.180 hộ dân ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện.
Nguyễn Quang Duy