Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán 2022, để có thêm nguồn hàng bán ra thị trường, nhiều người dân thị trấn Lang Chánh, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục gia tăng sản xuất loại kẹo nhãn đặc sản của địa phương. Đây là loại kẹo chất lượng thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng. Nghề làm kẹo nhãn giúp người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Theo một số người dân địa phương kể lại, kẹo nhãn Lang Chánh có nguồn gốc cách đây hơn 100 năm, một số người Hoa trước đây đã di cư đến sống tại huyện Lang Chánh và làm kẹo nhãn ăn. Sau đó, họ mời người dân địa phương ăn. Nhiều người huyện Lang Chánh sau khi ăn kẹo thấy thơm ngon nên đã học công thức làm kẹo, cũng từ đây nghề làm kẹo nhãn Lang Chánh được truyền qua nhiều thế hệ. Người dân Lang Chánh đã sử dụng kẹo nhãn như một loại thực phẩm không thể thiếu để đãi khách vào ngày tết cổ truyền.
Ông Vì Văn Quang, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh cho biết, kẹo nhãn Lang Chánh có dạng hình viên tròn, to bằng quả nhãn với độ giòn, vị ngọt mát, mùi thơm của gạo nếp, trứng gà... Để làm kẹo Nhãn Lang Chánh trước tiên phải chuẩn bị gạo nếp cái hoa vàng, trứng gà, vừng, sau đó phối trộn nguyên liệu, tạo hình, rán chín, cuối cùng là đóng túi, dán nhãn. Đây là sản phẩm sản xuất tự nhiên nên rất đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.
Ngoài các hộ dân đã thoát nghèo nhờ làm kẹo Nhãn, hiện có nhiều hộ dân khác tham gia cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất loại kẹo này. Vụ Tết Nguyên đán 2022, các hộ dân trong vùng đang tập trung gia tăng sản xuất để có thêm nguồn hàng bán cho người tiêu dùng.
Chị Mai Thị Hoa, thị trấn Lang Chánh cho biết, gia đình làm nghề kẹo nhãn hơn 10 năm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và biết tận dụng lợi thế đất đai và điều kiện tự nhiên của địa phương, chị Hoa đã mở rộng sản xuất, kinh doanh; từ một hộ làm kẹo nhỏ phát triển lên thành một xưởng làm kẹo lớn.
Kẹo nhãn Lang Chánh nhà chị Hoa hiện được bán với giá 100.000 đồng/kg tại Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An, Sài Gòn. Riêng vụ tết năm nay chị Hoa phải sản xuất tăng gấp 3 lần ngày thường với sản lượng dự kiến là 5 tấn. Thu nhập bình quân của gia đình khoảng 300 triệu/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Còn chị Vũ Thị Cúc, thị trấn Lang Chánh cho biết, nhờ làm nghề sản xuất kẹo nhãn Lang Chánh gia đình đã thoát nghèo, cứ mỗi dịp cận tết khách hàng đã đến cơ sở đặt mua. Vụ Tết năm nay, gia đình và công nhân đang tập trung sản xuất để có sản phẩm bán trong những ngày cận tết. Hiện thu nhập mỗi năm của gia đình chị Cúc đạt 120 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động, mức lương 4 triệu/người/tháng. Dự kiến, vụ tết năm nay, nhà chị Cúc sản xuất 4 tấn, thu về 50 triệu tiền lãi.
Hiện nay trên địa bàn huyện Lang Chánh có khoảng 60 hộ dân làm kẹo nhãn. Để phát triển nghề này, huyện Lang Chánh đã thành lập Hợp tác xã Kẹo nhãn Lang Chánh để tổ chức sản xuất, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Ngoài ra, UBND huyện Lang Chánh cũng đã triển khai dự án khoa học “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Kẹo nhãn Lang Chánh”.
Đến nay, dự án này đã giúp sản phẩm kẹo nhãn Lang Chánh nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu nhờ sản xuất kẹo này.
Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lang Chánh cho biết, nghề làm kẹo nhãn Lang Chánh đang giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, quá trình sản xuất luôn đảm bảo quy trình nên chất lượng thơm ngon.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kẹo nhãn vụ cận tết Nguyên đán 2022, UBND huyện Lang Chánh đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành, cũng như đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kẹo nhãn để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Nguyễn Nam