Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng

Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng

Nhắc về Đồng Tháp là nhắc đến mùa nước nổi – khoảng thời gian mang về nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào, nuôi sống biết bao thế hệ con người nơi đây. Và cũng chính từ những dòng nước đỏ từ thượng nguồn đổ về đã sản sinh ra làng nghề cá khô truyền thống trứ danh. Tuy nhiên, năm nay nước lũ không về, nguồn nguyên liệu cá đồng khan hiếm và đắt đỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ sản xuất làng nghề.

Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng ảnh 1Đẩy côn bắt cá đồng của ngư dân xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Toàn xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 40 cơ sở sản xuất khô cá lóc, bình quân mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở làm ra từ 50 - 70 kg khô cá lóc thành phẩm các loại và cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện.

Chị Hồ Thị Trinh - chủ cơ sở sản xuất khô cá ở ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ cho biết, không chỉ tập trung vào nguồn nguyên liệu cá lóc nuôi, trong thời gian mùa nước nổi, các hộ cũng sản xuất các loại khô cá đồng như cá lóc, các chạch, cá trèn, cá sặc bổi,… Đây là các mặt hàng được xem là “đặc sản” của Đồng Tháp.

Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng ảnh 2 Chài bắt cá đồng của ngư dân vùng biên giới huyện Tân Hồng. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Chỉ riêng mặt hàng khô cá chạch, chị Trinh so sánh, nếu như 2019, mỗi ngày cơ sở thu mua hơn 100kg thì năm nay số lượng chỉ chừng vài chục kg. Giá cá nguyên liệu tăng nên giá khô cá đồng cũng tăng. Hiện, khô cá chạch thành phẩm đang ở mức 400 nghìn đồng/kg (cao hơn 100 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ).

Còn tại làng nghề khô, mắm ở phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự, nơi có khoảng 32 cơ sở sản xuất kinh doanh khô, mắm các loại, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 150 tấn mắm, gần 100 tấn khô các loại, cũng đang “đau đầu” vì nguồn nguyên liệu ít ỏi.

Là một trong những cơ sở sản xuất khô - mắm lâu năm, bà Văn Thị Thúy cho biết, vào thời gian con nước tràn đồng đến cuối lũ, hầu hết các hộ làm nghề đều có sẵn các đầu mối để thu mua cá trắng làm nguyên liệu sản xuất mắm. Song, năm nay, tỉ lệ cá đồng đánh bắt được cũng hạn chế, nguồn nguyên liệu trở nên đắt đỏ và khan hiếm, chưa đạt sản lượng 50% so với năm 2019.

Là một cơ sở sản xuất nước mắm cá linh truyền thống đã đưa hàng hóa vào 7 điểm của hệ thống siêu thị Big C vào tháng 4/2020, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cá linh Dì Mười, ở xã Bình Thạnh cũng trong tình trạng gặp khó trong nguồn nguyên liệu đầu vào.

Theo chị Phan Thị Kim Diệu - Chủ cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười, trung bình mỗi năm cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 – 15.000 lít nước mắm, đồng nghĩa với việc cơ sở phải thu mua từ 15 - 20 tấn cá linh, để làm nguyên liệu sản xuất. Thời điểm này các năm trước, mỗi ngày cơ sở thu mua từ vài trăm ký đến vài tấn cá nguyên liệu, nhưng đến thời điểm này cơ sở chỉ mới thu mua được khoảng 6 tấn cá.

Chị Diệu nói, hằng năm cơ sở chỉ thu mua nguồn nguyên liệu được đánh bắt tại địa phương. Nhưng năm nay do nguồn cung không đủ, trong khi nhu cầu thị trường cao, để giữ vững thương hiệu, cơ sở đã và đang chủ động tìm nguồn nguyên liệu ở các địa phương lân cận, để duy trì việc sản xuất, đảm bảo sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Theo thông tin từ phòng kinh tế thành phố Hồng Ngự, địa phương đã tổ chức đưa các chủ cơ sở đi tham quan, học tập mô hình trong sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, để người dân tham gia thực hiện nhằm giúp cho làng nghề và các cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương được duy trì và phát triển bên vững, nhất là trong trong điều kiện lũ diễn biến bất thường như hiện nay; trong đó, thành phố Hồng Ngự đang quan tâm đến các đề án, công trình nghiên cứu khoa học sinh sản, ươm nuôi các giống cá trong tự nhiên, qua đó giúp các cơ sở chủ động hơn về nguồn nguyên liệu.

Chương Đài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm