Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp chuẩn bị hàng dịp Tết

Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp chuẩn bị hàng dịp Tết

Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) sau hàng trăm năm hình thành và phát triển đã vang danh và nổi tiếng không chỉ khắp mọi miền tổ quốc mà cả nhiều quốc gia trên thế giới biết tới.

Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp chuẩn bị hàng dịp Tết ảnh 1 Nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị hàng cho dịp Tết. Ảnh: TTXVN

Làng nghề Sơn Đồng từng lọt vào top 10 làng nghề tiêu biểu của cả nước và được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 11/2022, cả làng nghề Sơn Đồng nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách cách. Cả xã Sơn Đồng có 400 hộ, với khoảng 4.000 lao động đang hoạt động cho làng nghề truyền thống này. Mỗi dịp Tết đến làng nghề càng trở nên bận rộn vì lượng hàng hóa phải trả cho khách đặt tăng cao gấp nhiều lần.

Có thể nói gần như trong các chùa chiền, nhà thờ, nhà cúng lớn nhỏ trên nhiều vùng của cả nước đều có những pho tượng hay đồ thờ cúng, sơn son thiếp bạc do nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng tạo ra. Mỗi năm, người dân nơi đây chế tạo ra hàng chục nghìn sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ khách hàng.

Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp chuẩn bị hàng dịp Tết ảnh 2Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vang danh và nổi tiếng không chỉ khắp mọi miền Tổ quốc mà cả nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: TTXVN

Làng nghề Sơn Đồng có từ lâu đời nên các nghệ nhân nơi đây cũng trải qua nhiều thế hệ và ngày nay chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, con em trong làng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng cũng bị mai một ít nhiều. Nhưng sau đó đã được các nghệ nhân như Nguyễn Đức Cường và Nguyễn Chí Dậu khôi phục và dần phát triển mạnh trở lại. Từ đó, làng nghề đã đào tạo ra những lớp kế thừa mới, nay đã trở thành những nghệ nhân và thợ lành nghề giỏi.

Không những chỉ kế thừa truyền thống cha ông để lại, các lớp thợ trẻ ngày nay không ngừng mày mò, sáng tạo, đổi mới sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Thợ trẻ ngày nay vừa có những nét tài hoa về tay nghề và còn năng động trong việc tìm kiếm thị trường để đưa sản phẩm bay xa.

Do đường xá giao thông ngày càng nhiều và mở rộng nên làng nghệ mỹ nghệ Sơn Đồng đi lại thông thương rất thuận tiện, sát cạnh trung tâm Hà Nội về hướng Tây và có thể dễ dàng kết nối qua Quốc lộ 32 hoặc cao tốc Láng – Hòa Lạc.

Với bề dày khoảng 800 năm, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng được ví như là "thiên đường" về đồ thờ cúng hay đồ trạm khắc thủ công mỹ nghệ. Nơi đây có tới hơn 80% số hộ sinh sống bằng nghề, trong đó có hơn 1.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi.

Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp chuẩn bị hàng dịp Tết ảnh 3 Nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng chuẩn bị hàng cho dịp Tết. Ảnh: TTXVN

Người làng Sơn Đồng tài hoa, rất tài nghệ trong nghề sơn, tạc, tạo ra được những bức tượng như tượng Đức Thánh Trần, Văn Thù Bồ Tát, Tam Thế Phật, Phật bà nghìn tay nghìn mắt, Phật Thích Ca, Phật A di đà, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán cùng nhiều loại đồ thờ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng trong cả nước như: Kiệu bát cống, ô sa, cửa võng, hoành phi, câu đối, ngai, khảm thờ, quần thư....

Nhiều người còn biết tới các vật thể kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân Sơn Đồng tạo nên như di tích lịch sử Văn miếu Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn…

Với chất liệu chủ đạo bằng gỗ mít, những nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng tạo ra nhiều sản phẩm vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. Các pho tượng có hồn và sống động qua sự nhào nặn bởi những bàn tay tài hoa mất hàng tháng trời, với những quy trình tỉ mỉ, công phu và tinh tế.

Sự tài năng của nghệ nhân còn được thể hiện qua việc khách đặt hàng có thể mong muốn làm bất cứ pho tượng thờ nào, mà không cần mẫu có sẵn. Vì vậy, khách hàng khắp cả nước tìm về, nên sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị trường toàn quốc về tượng, đồ thờ cúng. Ngoài ra sản phẩm của làng nghề còn được rất nhiều khách hàng quốc tế đặt hàng và được xuất khẩu ra nước ngoài.

Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp chuẩn bị hàng dịp Tết ảnh 4Nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị hàng cho dịp Tết. Ảnh: TTXVN

Ngoài sự tài hoa, bí kíp riêng thì việc chọn chất liệu để làm tượng được nghệ nhân nơi đây chú trọng, đó là sử dụng gỗ mít bởi đặc tình mềm, dẻo, thớ dặm, bền, ít nứt, dễ gọt, chịu được ẩm ướt. Vì vậy, người dân làng nghề thường lựa chọn mua gỗ mít từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ,… Các khúc gỗ sẽ được loại bỏ hết phần giác và giữ lại phần lõi để tạc tượng.

Sau khi thực hiện xong phần đục các chi tiết, nghệ nhân sẽ tiến hành khâu rất quan trọng đó là sơn tượng. Kỹ thuật sơn tượng rất kỳ công và tỉ mỉ như nghệ thuật sơn mài. Đầu tiên, người thợ sơn sẽ trộn đất phù sa rồi bó bằng sơn sống và sơn thí để hom tượng. Sau mỗi công đoạn, tượng lại được mài bằng đá và nước. Người thợ sẽ sơn lên sau đó lại mài đi. Việc này cứ được thực hiện cho đến khi bề mặt tượng được phẳng, nhẵn và mọng. Sau đó dùng một lớp sơn cầm thếp để sơn phủ lên. Tiếp theo là đợi cho sơn cầm thép se tới khi nào mà sờ tay thấy còn hơi dính thì người thợ sẽ dán bạc hoặc dán vàng quỳ tùy theo yêu cầu của khách.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sảng, Phó Chủ tịch Hội làng nghề Sơn Đồng cho biết, mỗi một sản phẩm đều được làng nghề làm rất cầu kỳ, cẩn thận, nên mất nhiều thời gian. Có những tác phẩm phải để mộc nhiều tháng cho gỗ khô ngót một cách tự nhiên sau đó mới đưa vào hoàn thiện. Vì vậy, giá trị mỗi sản phẩm hàng chục triệu đồng, có bức tượng trị giá cả tỷ đồng.

Còn xưởng sản xuất của anh Nguyễn Trung Thành những ngày giáp Tết dường như hoạt động hết công suất của 20 nghệ nhân, bởi lượng hàng phải trả cho khách vào dịp cuối năm gấp 2-3 lần với hàng ngàn sản phẩm.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, xã luôn chú trọng việc quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động cho làng nghề truyền thống phát triển. Từ phát triển mạnh làng nghề nên kinh tế các hộ gia đình khá giả, nhờ đó mà phong trào văn hóa, thể thao phát triển rất mạnh, dường như không có tệ nạn xã hội. Mặc dù là xã nông thôn, nhưng trên địa bàn có nhiều câu lạc bộ thể thao như: CLB đạp xe với cả ngàn chiếc xe đạp, 40 CLB bóng đá, nhiều CLB cầu lông, bóng bàn, tennis…

Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, xã đang tiếp tục đề nghị với các cấp để thực hiện dự án phát triển làng nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập nhiều hơn nữa cho người dân địa phương. Xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động cho các hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP 2023…

Nguyễn Văn Cảnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm