Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề tỉnh Bắc Ninh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai các giải pháp tăng cường bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống.
Là một trong số những làng có nghề gò, đúc đồng truyền thống lâu đời, đến nay làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định được vị thế của làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu của Việt Nam với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng. Kế thừa nghề gia truyền từ đời trước để lại, nhiều thanh niên Đại Bái không chỉ có thu nhập cao mà còn giúp nhiều lao động trẻ khác có việc làm ổn định. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Theo đó, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu được công nhận thêm 8 nghề truyền thống, 7 làng nghề và 12 làng nghề truyền thống; xây dựng 2 nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề truyền thống, nghề truyền thống để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Tỉnh xây dựng thí điểm 3 mô hình du lịch làng nghề và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã phường, thị trấn một sản phẩm) về du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, mỗi năm, tỉnh có 40 sản phẩm làng nghề được đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho 5 làng nghề; thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, nghề truyền thống; trong đó, hàng năm tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Đặc biệt, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phong trào chống rác thải nhựa và sử dụng sản phẩm truyền thống, thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cộng đồng dân cư. Tỉnh hỗ trợ các địa phương mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích các nghệ nhân làng nghề tham gia truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho lao động nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh quy hoạch khu sản xuất, cụm công nghiệp làng nghề và quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với điểm du lịch làng nghề; xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom xử lý chất thải cho khu, cụm công nghiệp làng nghề.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường làng nghề; khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Với các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm; hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp giúp làng nghề trở thành nơi cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Bắc Ninh hỗ trợ các cơ sở làng nghề cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương, tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, tham quan khảo sát thị trường trong và ngoài nước…
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 30 làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí về làng nghề, làng nghề truyền thống; trong đó có 21 làng nghề truyền thống và 9 làng nghề mới. Ngoài các làng nghề, tỉnh có 32 thôn, khu phố có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc. Hoạt động làng nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho đại bộ phận dân cư và đóng góp đáng kể trong tổng sản phẩm của tỉnh.
Thanh Thương