Vốn là vùng đất có nghề truyền thống làm da giày, dép từ lâu đời, xã Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội) đã trở nên khấm khá và tập nập, nhộn nhịp hơn nhiều làng quê khác. Dịp giáp Tết Nguyên đán, ở Phú Yên như một khu công nghiệp thu nhỏ. Mọi công đoạn liên quan đến nghề làm giày, dép, nghề da đều được kích hoạt, tạo không khí sôi nổi, rộn ràng để kịp cho ra lò những đôi giày, dép đẹp mắt nhất, phục vụ người dân diện Tết vui Xuân mới.
Làng “ăn da” lớn nhất miền Bắc
Vào khoảng những năm 1970, địa phương là nơi gia công cho Công ty Giày da Việt Nam. Nhận thấy đây là nghề có thu nhập, thích hợp với nhiều lứa tuổi lao động nên nghề làm giày, dép da đã được người Phú Yên gìn giữ và phát triển. Nhưng phải đến những năm 2000, khi đất nước đổi mới, mở cửa mạnh mẽ, làng nghề giày, dép da Phú Yên mới thực sự khởi sắc. Lúc này, nghề giày, dép da đã không phải là nghề thoát nghèo nữa mà trở thành nghề làm giàu, với hàng chục tỷ phú trong xã. Những người dân ở đây cho biết, nghề của họ được gọi là nghề “ăn da”. Hộ dân nào, một năm “ăn” càng nhiều da thì càng giàu, càng giỏi. Bởi điều đó cho thấy, họ tiêu thụ được nhiều sản phẩm giày, dép ra thị trường.
Để làm ra những sản phẩm bắt mắt, phù hợp với giá cả thị trường, các hộ dân ở Phú Yên đã đi chiêu mộ các thợ giày giỏi về làm cho gia đình mình. Thợ giày được phân theo “đai đẳng”, qua thâm niên, sự khéo tay và con mắt tinh tế trong sáng tạo. Căn cứ vào đó phân ra làm hai loại: thợ mũi và thợ đế. Thợ mũi có nhiệm vụ tạo hoa văn, tạo dáng, gò và cắt gọt. Còn thợ đế, dùng sức, dùng keo và đinh, chỉ khâu để gắn đế sao cho chặt với thân giày. Trong hai cấp bậc thợ đó thì thợ mũi làm khó và được đánh giá cao hơn.
“Nhìn vào mũi là người thợ biết đôi giày đẹp hay xấu. Sau vài năm làm thợ đế, khi tích lũy được kinh nghiệm, sẽ được chuyển làm thợ mũi để thiết kế mẫu mã sản phẩm, cũng như trả lương cao hơn”, ông Nguyễn Văn Hùng, một thợ làm nghề giày, dép da lâu năm tiết lộ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Phú Yên (Phú Xuyên) hiện xã có trên 500 cơ sở sản xuất, gia công với gần 6 nghìn lao động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động là người dân địa phương và các xã lân cận. Toàn bộ các công đoạn sản xuất, từ cắt may, đóng đế, dán, khâu… đều được làm tại làng nghề với nguyên liệu 100% là hàng trong nước.
Thế mạnh của giày da Phú Yên là dòng hàng giày công sở, giá thành phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người tiêu dùng. Với sự tin tưởng của người tiêu dùng, dòng sản phẩm này ngày càng mở rộng; chiếm ưu thế trên thị trường trong nước vào những năm gần đây.
Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho biết thêm, để lấy được lòng tin của khách hàng, địa phương định hướng cho các hộ phải đặt công nghệ và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu trong quá trình sản xuất giày, dép da. Với tinh thần ấy, năm 2019 xã Phú Yên đã phối hợp với các đơn viên liên quan mời chuyên gia người Đức về mở lớp tập huấn thiết kế giày, dép da. Đồng thời, tổ chức xúc tiến thương mại sản phẩm của địa phương sang tận Ý, Thái Lan…
Đưa công nghệ mới để nâng niu bàn chân Việt
Nhờ có sự tiếp sức tích cực từ phía địa phương và Hiệp hội Da Giày Việt Nam, nhiều hộ gia đình ở Phú Yên đã mạnh dạn chuyển hướng làm ăn lớn. Trong xã đã có một số gia đình nhập máy móc hiện đại, sản xuất 3 ca, mỗi ngày có thể làm ra 2.000 đôi giày. Không như trước đây, người dân Phú Yên chỉ sản xuất giày công sở. Nay những đôi giày thể thao, giày, dép thời trang cao cấp bằng chất liệu da, giả da, vải đã được “ra lò” từ Phú Yên với thương hiệu và xuất xứ cụ thể. Sản phẩm của Phú Yên không chỉ “phủ sóng” toàn quốc mà còn “bay” sang tận nước ngoài như: Nhật, Trung Quốc và Campuchia…. Điều đó cho thấy chất lượng sản phẩm giày, dép da của địa phương ngày càng được khẳng định.
Trước vấn nạn nhãn mác và hàng nhái, hàng giả tràn lan, ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da Giày Phú Yên bày tỏ, tại địa phương vẫn không tránh khỏi một số hộ gia công những thương hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung người dân Phú Yên đều nhận thức được giá trị của thương hiệu nên đều muốn khẳng định sản phẩm của mình, thể hiện qua việc gắn tem phụ trên sản phẩm trước khi xuất xưởng. Hướng tới, hội đang vận động các hộ sản xuất đăng ký mã số mã vạch với cơ quan có thẩm quyền để công khai nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, từ đó khẳng định chất lượng, uy tín thương hiệu với người tiêu dùng.
Những ngày này, đi từ đầu làng đến cuối xã Phú Yên, một điểm chung dễ thấy nhất đó là những biển hiệu chuyên sản xuất giày da được đặt san sát nhau. Nhiều xe tải nhỏ đỗ dưới lòng đường nhận những hộp, bao tải giày, dép đi tiêu thụ. Có thể những biển hiệu ấy không lớn, không phô trương đèn nhấp nháy xanh đỏ như ở thành phố nhưng nếu người dân cần số lượng bao nhiêu, mẫu mã gì để diện Tết vui Xuân thì người Phú Yên đều cơ bản đáp ứng được.
Mới đây, UBND Hà Nội đã phê duyệt việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên (thôn Giẽ Hạ) với tổng mức đầu hơn 200 tỷ đồng sẽ được xây dựng trong năm 2021. Đó sẽ là luồng gió Xuân mang thêm ấm no, giảm ô nhiễm môi trường, tạo cơ hội làm ăn quy mô cho xã da giày truyền thống Phú Yên.
Mạnh Khánh