Kiên Giang phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng phòng hộ

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang cho phép người dân nhận giao khoán đất rừng phòng hộ để trồng 70% diện tích cây rừng, khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Không chỉ góp phần bảo vệ rừng, nhiều hộ dân còn thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ các mô hình sản xuất dưới tán rừng.

Phat trien kinh te gan bao ve rung o Kien Giang 4.jpg
Người dân cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, Ủy ban Nhân dân xã Lình Huỳnh thăm rừng phòng hộ. Ảnh: Văn Sĩ

Ông Trần Duy Khanh ở ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) khi mới nhận đất giao khoán đã nuôi trồng thủy sản không cho hiệu quả. Từ năm 2017, gia đình ông cải tạo và phân khu để nuôi cá bóng mú, tôm. “Với hơn 2 ha mặt nước nuôi, tôi thả trung bình từ 2.000 - 5.000 con cá giống, thu hoạch khoảng 2 - 3 tấn cá/năm. Nhờ nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên lợi nhuận khá cao, khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm”, ông Khanh chia sẻ.

Phat trien kinh te gan bao ve rung o Kien Giang 1.jpg
Không chỉ phát triển nuôi trồng thủy sản, các hộ dân được giao khoán đất rừng ở huyện Hòn Đất còn chú trọng việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây rừng. Ảnh: Văn Sĩ

Gia đình ông Danh Trung ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất từng thuộc diện hộ Khmer nghèo. Năm 2013, gia đình ông được chính quyền địa phương giao khoán 3 ha đất rừng, vừa để chăm sóc, bảo vệ rừng, vừa để nuôi trồng thủy sản. “Đến năm 2016, tôi mua cua giống và tôm sú về thả vào vuông, đồng thời cải tạo nguồn nước, nguồn thức ăn tự nhiên. Nhờ đó, gia đình thu hoạch hơn 1 tấn tôm, cua, cá; lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm”, ông Trung nói.

Phat trien kinh te gan bao ve rung o Kien Giang 3.jpg
Công trình đường đê ven biển nối thành phố Rạch Giá với huyện Kiên Lương, địa bàn xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái ven rừng phòng hộ. Ảnh: Văn Sĩ

Ông Dương Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòn Đất cho biết, các mô hình kinh tế dưới tán rừng phòng hộ trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. “Để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với du lịch sinh thái dưới tán rừng”, ông Dương Minh Tâm cho biết thêm.

8.jpg
Nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng giúp nhiều hộ dân ven biển ở huyện Hòn Đất trở nên khấm khá, nhà cửa khang trang hơn. Ảnh: Văn Sĩ
Phat trien kinh te gan bao ve rung o Kien Giang 5.jpg
Nông dân xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất thu hoạch tôm dưới vuông trong khu vực rừng phòng hộ. Ảnh: Văn Sĩ
Phat trien kinh te gan bao ve rung o Kien Giang 6.jpg
Ông Trần Duy Khanh ở ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất với mô hình cá bóng mú. Ảnh: Văn Sĩ

Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, tỉnh đã giao khoán cho trên 1.900 hộ dân thực hiện trồng rừng và khai thác diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Ông Lê Hữu Toàn thông tin: “Thành công của các mô hình kinh tế dưới tán rừng là hướng đi đúng cho người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển”.

Văn Sĩ

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm