Tháo gỡ khó khăn, đầu tư có trọng điểm các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kiên Giang

Chiều 9/4, Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, kế hoạch năm 2024; tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn.

vna_potal_bo_truong_chu_nhiem_uy_ban_dan_toc_hau_a_lenh_lam_viec_voi_tinh_kien_giang_7314504.jpg
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống kinh tế; huy động mọi nguồn lực tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ các nguồn vốn trong, ngoài nước, để đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, kết cấu hạ tầng vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tương đối đồng bộ, giao thông nông thôn thuận tiện, điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt, hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ, đảm bảo cho yêu cầu kết nối, nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn. Từ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, chỉ còn 2,4% (đến cuối năm 2023).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã xây dựng phương án giao, phân bổ nguồn vốn từ chương trình cho các địa phương. Năm 2023, tỉnh giải ngân vốn đầu tư đạt 78,12% kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt gần 56% kế hoạch...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian qua tại Kiên Giang còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Kinh tế tăng trưởng cao nhưng thiếu toàn diện, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chăn nuôi chiếm tỷ trọng thấp so với trồng trọt; các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả nhưng thiếu bền vững. Đời sống một bộ phận người dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhất là ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại buổi làm việc, tỉnh Kiên Giang kiến nghị với bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu để các địa phương thực hiện. Tỉnh đề xuất bổ sung kinh phí xây dựng nhà hỏa táng hiện đại cho đồng bào Khmer được quy định tại Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2028 của Ban Bí thư, về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới và Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14//10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện Dự án 6 của Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14//10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo, tỉnh đề nghị mở rộng đối tượng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số không nằm trong các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các chính sách dân tộc. Ông Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đầu tư có trọng điểm các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, thống nhất trong hành động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp các cấp, ngành trong quá trình thực hiện. Tỉnh tăng cường tuyên truyền đến người dân, đồng bào dân tộc thiểu số để thêm hiểu các vấn đề chính sách dân tộc; tăng cường chỉ đạo kiểm tra trong quá trình thực hiện, nhất là từ cơ sở.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh quan tâm nhóm chính sách với cán bộ, tăng cường kết nạp đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đến tỷ lệ cán bộ công chức đồng bào dân tộc thiểu số các cấp trong hệ thống chính trị; chính sách về bảo hiểm y tế, giáo dục; kinh tế - xã hội, đặc biệt là đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số… Ông Hầu A Lềnh cũng giải đáp một số kiến nghị của tỉnh; đồng thời giao các thành viên trong đoàn tổng hợp, phân loại các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, xây dựng báo cáo trình Chính phủ và các bộ, ngành có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm