Những mô hình thích ứng biến đổi khí hậu ở Kiên Giang

Trước năm 2010, hộ ông Nguyễn Văn Lý ở ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên canh tác 2 vụ lúa/năm nhưng không cho hiệu quả kinh tế do bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô. Để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), gia đình ông Lý đã chuyển sang áp dụng mô hình lúa - tôm. Ông Lý chia sẻ: “Mấy năm qua, gia đình duy trì 1 vụ lúa 2 vụ tôm, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Với 2 ha, sau khi trừ chi phí lúa, tôm, gia đình thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm”.

3-hieu qua mo hinh thich ung bien doi khi hau-kien giang-van Si.jpg
Mô hình lúa - tôm ở huyện An Minh thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Văn Sĩ

Do lúa bị nhiễm phèn, mặn, chính quyền địa phương đã hướng dẫn hộ ông Vưu Quốc Cường ở xã Bình An, huyện Châu Thành cải tạo ruộng, đào mương để trồng xen canh dứa, cau, dừa trên diện tích 3 ha. Đến nay, gia đình ông Cường có thu nhập khoảng 450 triệu đồng/năm, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa trước đây.

2-hieu qua mo hinh thich ung bien doi khi hau-kien giang-van Si.jpg
Nông dân xã Tây Yên, huyện An Biên thu hoạch tôm sú trên vùng đất sản xuất 1 vụ lúa 2 vụ tôm. Ảnh: Văn Sĩ
1-hieu qua mo hinh thich ung bien doi khi hau-kien giang-van chi.jpg
Xen canh trồng dứa (khóm), cau, dừa là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế bền vững ở huyện Châu Thành. Ảnh: Văn Sĩ

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH như: lúa - tôm ở vùng U Minh Thượng; chuối xiêm, khoai ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng… Để các mô hình này phát triển bền vững, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho người dân; nạo vét kênh mương, thủy lợi và kiểm soát nguồn nước…, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp đến hợp tác liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm”.

Văn Sĩ

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm