Sóc Trăng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Sóc Trăng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 24/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị "Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu".

Sóc Trăng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao tại Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến nền nông nghiệp của tỉnh, hội nghị được tổ chức là cơ hội trao đổi, thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp trong sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện khí hậu, giúp nông dân ổn định đời sống, sản xuất. Hội nghị cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo xu hướng: môi trường - an toàn - sức khỏe và hiệu quả.


Mặc dù có những lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên vùng ven biển, nhưng ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đang đối diện với nhiều rủi ro, ngày càng phức tạp trước tình hình biến đổi khí hậu như: sạt lở đê biển, đê sông, khu vực các cồn trên sông Hậu, mưa bão lớn, cục bộ…. dẫn đến nguy cơ mất an toàn các công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất...

Tại hội nghị các nhà khoa học đã chia sẻ các bài tham luận về canh tác thông minh trong sản xuất lúa có chất lượng cao, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; thực trạng và giải pháp chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi tôm nước lợ; định hướng phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; một số mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản đặc thù thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Sóc Trăng…

Báo cáo của ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng cho thấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu (đầu tư thủy lợi cho vùng sản xuất nhất là đầu tư vùng nuôi tôm nước lợ; dự án phát triển lúa đặc sản; dự án phát triển cây ăn trái; dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa….); cơ cấu lại sản xuất theo hướng các ngành hàng chủ lực "thủy sản, lúa đặc sản, cây ăn trái". Từ đó đã hình thành các vùng xuất tập trung có qui mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết tiêu thụ và chế biến, xuất khẩu đạt được thành tựu đáng kể.

Tại Sóc Trăng, sản lượng lúa theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị giá tăng, hàng năm đạt trên 2 triệu tấn; trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93%. Gạo ST24 đạt giải "Top 3 gạo ngon nhất thế giới" năm 2017 và gạo ST25 đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Lĩnh vực nuôi trồng ngày càng phát triển, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt hiệu quả cao, với sản lượng đến nay đạt trên 375.000 tấn, tăng 52.657 tấn so với năm 2020; trong đó tôm nước lợ 210.586 tấn.

Ngoài ra chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, đến nay đàn bò phát triển trên 54.500 con; trong đó bò sữa gần 6.800 con, sản lượng sữa hàng năm trên 13.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.500 triệu USD, tăng 385 triệu USD so với năm 2020; trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 90%. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên một ha đất nông nghiệp năm 2023 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 48 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Bên cạnh đó, tỉnh còn hình thành được các vùng trồng cây ăn trái tập trung với nhiều loại trái cây xuất khẩu như: vú sữa, sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi...

Với những tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương và thành tích đạt được trong thời gian qua, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, ngành chuyên môn và nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền người dân áp dụng chuyển đổi sản xuất nâng cao giá trị, theo hướng công nghệ cao; từng bước chuyển đổi tư duy từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm, sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; hình thành vùng nuôi tôm, vùng sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao…

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm