Sáng 17/11, trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Đối tác công tư về đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh của khu vực tư nhân được tăng cường trong chuỗi giá trị thanh long xanh”.
Đây là hoạt động chính nằm trong Dự án Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Hiện Bình Thuận có khoảng 27.000ha thanh long với sản lượng gần 600 tấn/năm. Đây là loại cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sản xuất thanh long của người dân gặp nhiều khó khăn vì giá thanh long luôn biến động ở mức thấp, sản lượng tiêu thụ ít.
Một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu thụ thanh long gặp khó là các thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn… Để thanh long phát triển thanh long một cách bền vững đòi hỏi người trồng phải áp dụng các giải pháp mới, hiện đại gắn với sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: Dự án Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới kết quả nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng thanh long được cải thiện thông qua các giải pháp mới, sáng tạo và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, hướng đến sản xuất kinh doanh phát thải các bon thấp và bền vững.
Thông qua các hoạt động như hỗ trợ xanh về bóng đèn led; hệ thống tưới tự động; hỗ trợ xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận; thúc đẩy chuyển đổi số trong việc quản lý và sản xuất thanh long… đến nay dự án đã giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, hình thành chuỗi cung ứng xanh; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, hướng đến hành động tích cực của một bộ phận người sản xuất về phát thải các bon, về thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau đánh giá lại thực trạng sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh; tiếp cận công cụ tài chính xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi sản xuất thanh long; giải pháp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp… Đồng thời, đề xuất một số hoạt động sáng tạo nhằm thúc đẩy sản xuất giảm phát thải, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện NDC của Việt Nam…
Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ cho biết: khi tham gia thực hiện dự án dự án, các thành viên Hợp tác xã đã từng bước hoàn thiện quy trình canh tác tiết kiệm chi phí, giảm đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới phát triển xanh.
Hiện nay, hợp tác xã đã chuyển đổi sang sử dụng đèn led, điện năng lượng mặt trời để chong cho thanh long, giúp tiết kiệm được khoảng 60% điện năng trong sản xuất; cùng với đó, hỗ trợ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm hiện đại…góp phần giảm chi phí sản xuất. Việc giảm vật tư đầu vào cũng tác động trực tiếp đến việc giảm phát thải, hướng tới phát triển xanh.
Bên cạnh đó, thành viên hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về kỹ năng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số. Qua đó, thực hiện ghi chép nhật ký điện tử trong quá trình sản xuất, chế biến và đáp ứng lộ trình theo dõi dấu chân carbon.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay, đơn vị đã từng bước xây dựng thành công quy trình sản xuất thanh long theo hướng xanh hóa. Nổi bật, đơn vị đã phát triển mô hình theo dõi dấu chân carbon gắn với ứng dụng nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc tích hợp các cơ sở dữ liệu, thông tin sản xuất từ nông dân lên cổng thông tin điện tử “https://thanhlongxanhbinhthuan.vn”. Với sự minh bạch thông tin này, các doanh nghiệp thu mua có thể theo dõi, tìm hiểu và đặt hàng sản phẩm thanh long xanh.
Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ gần 60 ha chuyển đổi sang dùng đèn Led chong thanh long; hỗ trợ 36 ha ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; hỗ trợ chuyển đổi sản xuất sang GlobalGAP 50 ha; in và cấp phát hơn 100 nghìn tem dán truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý…
Hồng Hiếu