Sau nhiều năm triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Kiên Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững được nông dân và ngành nông nghiệp đánh giá cao; trong đó, có nhiều mô hình mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Lý, ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết, trước năm 2010 trở về trước, gia đình ông sản xuất 2 vụ lúa/năm nhưng không đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do nguồn nước bị xâm nhập mặn vào mùa khô ảnh hưởng đến sự phát triển của ruộng lúa, năng suất đạt thấp (từ 4 - 5 tấn/ha). Khoảng năm 2010 đến nay, gia đình ông chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa - tôm theo sự khuyến cáo của chính quyền địa phương. Theo ông Lý, từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay mô hình đã giúp tăng lợi nhuận cho gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương.
“Mấy năm qua gia đình tôi duy trì sản xuất 1 vụ lúa 2 vụ tôm và tuân thủ gieo sạ lúa, thả giống thủy sản theo lịch khuyến cáo của ngành khuyến nông nên đạt hiệu quả tương đối. Với 2 ha, gia đình tôi thu về khoảng 15 tấn lúa, thu nhập hơn 120 triệu đồng/vụ; còn về con tôm thu về khoảng 700kg tôm sú, thu nhập hơn 130 triệu đồng/năm. Nhờ sản xuất lúa hữu cơ, ít sử dụng phân thuốc hóa học và nuôi tôm quảng canh, không cho ăn thức ăn nên lợi nhuận sau khi trừ chi phí từ lúa, tôm của gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là mức lợi nhuận của hầu hết các nông dân áp dụng mô hình lúa - tôm ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Lý chia sẻ.
Hộ ông Vưu Quốc Cường là một trong những hộ chuyển đổi mô hình sản xuất lúa sang mô hình sản xuất xen canh dứa, cau, dừa thành công ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Theo ông Cường, trước năm 2017, gia đình ông sản xuất 2 vụ lúa/năm, hiệu quả kinh tế mang lại không cao do lúa bị nhiễm phèn, mặn. Trước sự bất lợi đó, theo sự khuyến cáo của chính quyền địa phương, hộ ông mạnh dạn cải tạo ruộng lúa, lên rẫy, đào đường mương để trồng xen canh 3 loại cây gồm: khóm, cau, dừa.
Trên diện tích 3 ha, tổng thu nhập gia đình ông đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng/năm. So với trồng lúa trước đây, mô hình này cho lợi nhuận cao hơn khoảng 4 - 5 lần. “Gần đây tôi đã trồng thử nghiệm giống dứa mật cho thấy hiệu quả bước đầu và sắp tới có thể nhân rộng giống này. Cùng với đó, tôi và một số nông dân đã và đang đi tham quan, tìm hiểu một số giống thủy sản phù hợp thả nuôi trên kênh, mương trong vườn để tăng thêm lợi nhuận”, ông Cường chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Luyên trước đây công tác ở Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Từ năm 2020, chị Luyên xin nghỉ công tác để cải tạo 2,4 ha đất vườn tạp trồng xen canh các loại cây: khóm, mít đỏ, mít Thái, bòn bon Thái, măng cụt, sầu riêng, dâu. Theo chị Luyên, khu vườn của gia đình nằm trong vùng nhiễm phèn và có nguy cơ xâm nhập mặn vào các mùa khô hạn. Vì vậy, các giống cây trồng đều được chị nghiên cứu, tìm hiểu để chọn trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên.
“Qua hơn 3 năm trồng, đến nay mít đỏ, mít Thái đã cho trái sắp đến kỳ thu hoạch. Còn riêng dứa, tôi đã thu hoạch được 2 năm, trung bình mỗi năm hơn 10.000 trái, thu nhập hơn 110 triệu đồng/năm. Tôi chọn trồng dứa cũng nhằm “lấy ngắn nuôi dài” để tạo thu nhập mua phân bón, trả tiền nhân công chăm sóc các loại cây trồng còn lại. Tôi thấy phấn khởi vì các loài cây trồng đều thích nghi với vùng đất và khí hậu khá khắc nghiệt như những năm gần đây”, chị Luyên cho biết thêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu; trong đó, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế bền vững như: mô hình sản xuất lúa-tôm ở vùng U Minh Thượng; mô hình trồng xen canh dứa, cau, dừa ở huyện Châu Thành; mô hình trồng chuối xiêm, trồng các loại khoai lấy củ ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng…
“Để các mô hình phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, đánh giá khách quan hiệu quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của người dân như: hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; nạo vét kênh mương, thủy lợi và kiểm soát tốt nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất; theo dõi và dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi để thông báo, hỗ trợ nông dân phòng chống… Cùng với đó, ngành phối hợp với các địa phương mời gọi các doanh nghiệp đến hợp tác liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất của người dân”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết thêm.
Văn Sĩ