Kiên Giang hiện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 17,7% diện tích đất nông nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ thực hiện mô hình cánh đồng lớn, nông dân nơi đây đã đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau"…
Kiên Giang từng bước mở rộng diện tích cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Lê Sen
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, những năm qua, nhờ thực hiện cánh đồng lớn (CĐL), nhiều hộ nông dân, nhất là nông dân Khmer đã nâng cao nhận thức trong làm ăn, đồng loạt sản xuất từ 1 - 2 giống lúa chất lượng cao (CLC), tạo vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng yêu cầu thị trường. Nếu như năm 2016, Kiên Giang có 12.860 ha CĐL liên kết với doanh nghiệp thì đến năm 2020 đã tăng lên 30.672 ha. Năm 2022, toàn tỉnh có tổng diện tích gieo trồng lúa 715.700 ha và 783 CĐL diện tích 74.968 ha, trong đó có 651 CĐL diện tích 53.478 ha gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Từ chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, diện tích sản xuất lúa CLC ở Kiên Giang tăng từng năm. Năm 2016, diện tích sản xuất lúa CLC chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo trồng thì đến năm 2022 đã chiếm 93,85%. Đặc biệt, diện tích gieo trồng giống lúa CLC đạt 100% ở vụ Mùa và đạt 98,15% ở vụ Đông Xuân. Tại các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỉnh đã tổ chức ký với Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhằm phát triển vùng nguyên liệu lúa 63.000 ha đạt chuẩn, từ đó xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Để từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, Kiên Giang đang đẩy nhanh thực hiện các đề án, dự án trọng điểm như: Đề án "Phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025"; Đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ" giai đoạn 2020 - 2030; Dự án "Các trung tâm đổi mới sáng tạo Xanh" (Dự án GIC) giai đoạn 2022 - 2024. Tỉnh cũng ký tiêu thụ 123.000 ha trong năm 2022 - 2023 với nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Tân Long...
Để “khơi thông” dòng chảy hạt gạo và nâng cao chuỗi sản xuất lúa gạo, ngành nông nghiệp Kiên Giang sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, diện tích CĐL gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Lê Sen