Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, việc đẩy mạnh khuyến nông và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất bước đầu mang lại kết quả tích cực. Từ đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững trên địa bàn.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện nhiều chương trình khuyến nông, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bằng các hình thức như tọa đàm, hội thi, diễn đàn, tham quan học tập kinh nghiệm, mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho hơn 6.400 lượt nông dân trong tỉnh để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất tại các địa phương.
Tiếp đến, các đơn vị chức năng có liên quan của ngành nông nghiệp tỉnh chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu các loại và một số mô hình trên địa bàn huyện, thành phố. Cụ thể là chương trình canh tác lúa tiên tiến gắn với sản xuất giống lúa cấp xác nhận 450 ha; canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm gắn với chứng nhận diện tích 200 ha trên vùng sản xuất U Minh Thượng; mô hình trồng rau trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao; mô hình phát triển vùng trồng sầu riêng 20 ha và cây có múi 20 ha tại hai huyện Giồng Riềng và Gò Quao; trồng cây mít 20 ha tại hai huyện Tân Hiệp và Châu Thành.
Mặt khác, lĩnh vực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, các đơn vị chức năng có liên quan của ngành nông nghiệp tỉnh triển khai 8 mô hình, gồm: cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo; thụ tinh nhân tạo trên bò cho nông dân tham gia chương trình cho vay bò cái giống sinh sản của quỹ Thiện Tâm; nuôi bò sinh sản cải thiện chất lượng đàn bò tỉnh Kiên Giang; nuôi lợn thương phẩm theo hướng an toàn sinh học kết hợp sử dụng thảo dược để cải thiện chất lượng thịt lợn; nuôi lợn sinh sản theo hướng an toàn sinh học; nuôi gà nòi Ô tía thương phẩm kết hợp sử dụng thức ăn thảo dược; nuôi gà nòi Ô tía thương phẩm theo hướng an toàn sinh học; nuôi vịt Grimaud thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.
Đối với nuôi trồng thủy sản, các đơn vị chức năng có liên quan của ngành nông nghiệp tỉnh triển khai các mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt, thủy sản mặn lợ ven biển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển.
Đó là nuôi cá trê vàng luân canh, xen canh trồng lúa; nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn công nghiệp; nuôi lươn sinh sản tạo con giống; nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất; nuôi ốc bươu đen thương phẩm trong ao đất; nuôi tôm chân trắng công nghiệp nhiều gia đoạn; nuôi cá mú Trân Châu trong ao đất và nuôi lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp; chuyển đổi bè nuôi cá biển truyền thống sang lồng nuôi vật liệu mới HDPE lồng vuông và lồng tròn; nuôi tôm tít trong sọt đặt trong bể…
Ngoài ra, còn có các mô hình nuôi thủy sản kết hợp như nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh với trồng lúa quản lý cộng đồng, nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh với trồng lúa, nuôi tôm sú kết hợp cua luân canh với trồng lúa, nuôi tôm sú kết hợp cá nâu.
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang còn triển khai chương trình cơ giới hóa và bảo vệ môi trường, với 7 trạm bơm tại hai huyện Giồng Riềng, An Biên và 3 thiết bị bay tại các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các chương trình thuộc dự án khuyến nông quốc gia, các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện hơn 40 mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp khác trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương nhân rộng những mô hình này, chuyển giao công nghệ, quy trình canh tác cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ: Qua triển khai các mô hình trình diễn kết hợp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, vừa lý thuyết, vừa thực hành trên các mô hình đã nâng cao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong tỉnh.
Qua đó, nông dân dần chuyển biến về tư duy sản xuất, không chạy theo năng suất mà sản xuất phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa địa phương.
Điều này góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, an toàn, hiệu quả, bền vững, sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao và nông dân có điều kiện, cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng.
Lê Huy Hải