Những năm qua, tỉnh Kiên Giang thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, giúp người dân dần ổn định cuộc sống.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Kiên Giang bố trí tổng nguồn vốn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo gần 23 tỷ đồng để thực hiện 113 dự án; thành lập 24 câu lạc bộ khuyến nông, hỗ trợ giống (434 ha lúa, 27 điểm trồng hoa màu), 30 tấn phân bón, 15.000 chai thuốc bảo vệ thực vật, 20 điểm nuôi trùn quế và nhiều con lợn giống, dê, bò, gà, vịt, cá…
Chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn ở Kiên Giang triển khai từ năm 2016 đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể. Trong tổng số 18 công trình cấp nước được triển khai, có 17 công trình cấp nước tập trung và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ, phục vụ cho 13.306 hộ dân (tương đương 35.465 người). Đến nay, tỉnh đã thực hiện 18/18 công trình với 15/18 công trình được đưa vào sử dụng.
Theo ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, việc thực hiện các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ đều có sự phối hợp chặt chẽ, lấy ý kiến của người dân trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện. Các dự án được triển khai công khai minh bạch nên được bà con đồng tình ủng hộ. Nhiều hộ nghèo tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo; tự giác thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất và đời sống; tích cực học tập và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, các hộ nghèo được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ; được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cải thiện đời sống...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết, trong giai đoạn 2020-2024, tổng vốn bố trí thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo trong tỉnh dự kiến là 40 tỷ đồng, để thực hiện 315 dự án, hỗ trợ 3.400 hộ dân. Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế các xã đặc biệt khó khăn và các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 là 215 dự án, hỗ trợ khoảng 1.500 hộ, với kinh phí 19 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc Chương trình 30a, dự kiến thực hiện 60 dự án, hỗ trợ khoảng 1.000 hộ, kinh phí 12 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn các xã ngoài các xã thuộc Chương trình 135 và Chương trình 30a, ước thực hiện 40 dự án, hỗ trợ khoảng 900 hộ, kinh phí 9 tỷ đồng.
Nhằm thực hiện hiệu quả các dự án, Kiên Giang đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, cân đối bố trí đối ứng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; tiếp thu những đóng góp, ý kiến của người dân, đối tượng thụ hưởng để triển khai thực hiện hiệu quả dự án. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, ngành, nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi, tạo chuyển biến trong nhận thức về giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường vai trò chủ động của chính quyền cấp xã, ấp và cộng đồng trong việc đề xuất lựa chọn, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; làm tốt công tác đối thoại giảm nghèo, tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, người dân để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo.
Tỉnh Kiên Giang cũng tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc đẩy mạnh các chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn; kết hợp và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn, lựa chọn mô hình đầu tư từ nhu cầu do người dân đề xuất. Tỉnh cũng nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các biện pháp áp dụng khoa học, kỹ thuật thực hiện mô hình; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người nghèo trong quá trình thực hiện mô hình theo quy trình, kỹ thuật đã đề ra.
Lê Sen