Kiên Giang tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ấp Xẻo Cui, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có trên 80% số dân là người dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài làm ruộng, trồng rẫy, chăn nuôi, thời gian nông nhàn, chị em phụ nữ ở Xẻo Cui còn giữ nghề truyền thống vót đũa tre, giúp có thêm thu nhập
Ấp Xẻo Cui, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có trên 80% số dân là người dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài làm ruộng, trồng rẫy, chăn nuôi, thời gian nông nhàn, chị em phụ nữ ở Xẻo Cui còn giữ nghề truyền thống vót đũa tre, giúp có thêm thu nhập

Tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kiên Giang tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Ấp Xẻo Cui, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có trên 80% số dân là người dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài làm ruộng, trồng rẫy, chăn nuôi, thời gian nông nhàn, chị em phụ nữ ở Xẻo Cui còn giữ nghề truyền thống vót đũa tre, giúp có thêm thu nhập bình quân hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Giai đoạn 2013 - 2020, Kiên Giang huy động được 49 tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức từ thiện trong nước viện trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí cam kết đăng ký tài trợ 88,6 tỷ đồng và đã thực hiện 54,4 tỷ đồng, đạt 61,42%.

Theo đó, tỉnh đã tiếp nhận đầu tư 105 chương trình, dự án trên các lĩnh vực như: giảm nghèo và an sinh xã hội; đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực và giải quyết việc làm; y tế, chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp và phát triển nông thôn; đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tài nguyên và môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn và hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo công tác vận động viện trợ của nước ngoài để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến, vận động viện trợ, cụ thể hóa nội dung các chương trình, dự án, phi dự án phù hợp với lĩnh vực ưu tiên kêu gọi tài trợ, quản lý nguồn viện trợ chặt chẽ để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ với việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dự án hiệu quả và mang tính bền vững, tác động tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc toàn tỉnh hiện còn khoảng 4,7%.

Kiên Giang có khoảng 66.520 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 280.250 người, chiếm 15,48% dân số tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đan xen với các dân tộc anh em ở khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, một bộ phận sinh sống khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, một bộ phận kinh doanh thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, tiếp tục thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng kế hoạch xúc tiến vận động tài trợ, viện trợ theo kế hoạch xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, tỉnh vận động tài trợ, viện trợ các mô hình sinh kế nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, khôi phục phát triển làng nghề truyền thống, hỗ trợ nhà ở cho hộ khó khăn, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…

Trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực và giải quyết việc làm, tỉnh mời gọi tài trợ, viện trợ xây dựng trường học, hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ học tập cho các xã vùng dân tộc thiểu số, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc…

Đối với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh kêu gọi tài trợ, viện trợ các dự án về tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, xây dựng các dự án công trình cấp nước tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Kiên Giang vận động tài trợ, viện trợ các thiết bị y cụ cho các Trạm Y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trợ giúp hộ nghèo phòng, chống trẻ em suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật cho trẻ em dân tộc bệnh tim bẩm sinh…

Cùng với đó, tỉnh vận động tài trợ, viện trợ xây dựng cầu, đường nông thôn tại các xã vùng dân tộc thiểu số đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các dự án khai thác bền vững đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Giang Thành), Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (Hòn Đất), dự án đa dạng sinh học Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Tỉnh Kiên Giang mời gọi, vận động tài trợ, viện trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sưu tầm các vật thể, phi vật thể qua các giai đoạn; đặc biệt, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, Chăm và Hoa trên địa bàn tỉnh.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm