Đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kiên Giang chiếm tỷ lệ trên 15% tổng số hộ dân cả tỉnh; trong đó, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ trên 13% và hầu hết sống ở những vùng xa, vùng biên giới - nơi giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Điều kiện sinh sống nơi xa xôi hẻo lánh, giao thông cách trở nên đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, trình độ phát triển thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 7%.
Nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng dân tộc, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; trong đó, điển hình là chính sách tín dụng với các ưu đãi về lãi suất, điều kiện, thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa đời sống và trình độ phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số so với mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu vẫn tập trung ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tại Kiên Giang, Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội tỉnh hiện đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn của Chính phủ để cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cùng một số đối tượng chính sách khác. Một trong những đối tượng quan trọng được quan tâm đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các huyện đã tích cực phối hợp với sở, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác và các địa phương thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nói chung và các chương trình tín dụng đối với hộ dân tộc thiểu số nói riêng. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 3.314 tỷ đồng với 155.331 hộ vay; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng đang triển khai cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổng dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 332 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ với 20.295 khách hàng, chiếm trên 13% tổng số khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 15,3 triệu đồng/hộ.
Dư nợ dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là 4,29 tỷ đồng với 840 hộ; Chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên 38 tỷ đồng với 4.154 hộ vay.
Nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng; chất lượng tín dụng tốt hơn và chính sách ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại.
Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính chánh xã hội đã tạo thêm việc làm, nâng sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương; đặc biệt, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo (bình quân hàng năm giảm từ 2-2,5%), hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp...
Gia đình bà Thị Thủy, ấp Kênh 2, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang trước đây thuộc diện hộ nghèo khó khăn, thiếu vốn sản xuất nhưng nhờ vốn vay ngân hàng đã thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, xây cất nhà ở kiên cố, khang trang.
Bà Thủy chia sẻ, năm 2013, bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng xây chuồng nuôi hai con lợn thịt, một con lợn nái và mua phân trồng lúa. Sau 5 - 6 tháng, lợn thịt xuất chuồng bán, lợn nái sinh sản, bà Thủy vừa có lợn bán vừa có lợn để nuôi. Đàn lợn tăng dần lên 5 - 7 con. Mỗi đợt, gia đình thu về hàng chục triệu đồng kết hợp với trồng hai vụ lúa mỗi năm đã giúp bà có cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống; dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Các chương trình tín dụng chính sách tại Kiên Giang đã góp phần giúp trên 865 hộ dân tộc thiểu số nghèo chuộc lại đất để sản xuất với số tiền trên 11 tỷ đồng; trên 4.700 hộ có vốn để chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền gần 40 tỷ đồng; trên 1.050 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, mua bán với số tiền trên 5,7 tỷ đồng.
Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào cách làm kinh tế gia đình hiệu quả, đổi mới tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu chính đáng.
Lê Sen