Khuyến nghị về sử dụng khẩu trang dựa trên phân tích của siêu máy tính

Những mô phỏng từ siêu máy tính Nhật Bản cho thấy không cần thiết đeo hai khẩu trang cùng một lúc, mà chỉ cần dùng một chiếc khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt, để phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đó là kết quả nghiên cứu mới do công ty Riken và Đại học Kobe phối hợp thực hiện, công bố ngày 4/3 trong bối cảnh giới chức y tế Mỹ khuyến nghị rằng việc phòng bị với 2 khẩu trang cùng lúc sẽ hiệu quả hơn so với chỉ dùng một khẩu trang.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng siêu máy tính Fugaku để thiết lập mô hình di chuyển của các phân tử virus từ những người đeo các loại khẩu trang khác nhau và kể cả những đối tượng dùng cùng lúc nhiều loại khẩu trang khác nhau. Kết quả cho thấy việc sử dụng khẩu trang y tế làm từ chất liệu vải không dệt có hiệu quả 85% trong việc chặn virus, song chiếc khẩu trang cần vừa vặn với người dùng, cụ thể là ôm sát mặt và trùm kín mũi. Trong khi đó, nếu dùng thêm chiếc khẩu trang làm từ sợi polyurethane, hiệu quả phòng dịch chỉ tăng thêm 4%, lên mức 89%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng hai chiếc khẩu trang vải không dệt là không hữu ích do điều này tạo ra khoảng trống không khí giữa hai khẩu trang và những kẽ hở ở viền khẩu trang, theo đó các phân tử virus vẫn có thể xâm nhập cơ thể.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, khẩu trang N95 loại siêu cấp sẽ là công cụ tốt nhất để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm, tiếp đó là khẩu trang không dệt, khẩu trang vải và cuối cùng là khẩu trang làm từ sợi polyurethane.

Nhóm nghiên cứu thuộc công ty Riken trước đó cũng đã ứng dụng siêu máy tính Fugaku để mô hình hóa độ ẩm có thể tác động đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ra sao, cũng như những nguy cơ lây nhiễm khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tại công sở hoặc tại các môi trường khác.

Thanh Phương

Tin liên quan

Nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa bệnh tim và bệnh nhân COVID-19

Một nhóm các nhà nghiên cứu Australia đã đi sâu vào nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao nhiều bệnh nhân COVID-19 mắc các bệnh về tim mạch, đồng thời đưa ra các phương pháp điều trị mới có hiệu quả. Thống kê gần đây cho thấy hiện có khoảng 25% số bệnh nhân nhập viện vì mắc COVID-19 ở thể nặng đã bị một số bệnh liên quan đến tim mạch và có đến 70% trong số đó mắc một chứng viêm ở tim.


Thuốc colchicine đem lại hy vọng cho cuộc chiến chống COVID-19

Kết quả một cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Canada cho thấy một loại thuốc kháng viêm có giá thành thấp, tên là colchicine, có thể giảm đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đem lại hy vọng lớn cho những người mắc căn bệnh này. Người đứng đầu Viện Tim Montreal (ICM), trưởng nhóm nghiên cứu dự án Colcorona, ông Jean-Claude Tardif đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ này ngày 24/1.



Đề xuất