Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, những năm gần đây quan hệ hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Ba Lan luôn phát triển tích cực. Ba Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh Châu Âu (EU)
|
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Kim ngạch thương mại Việt Nam – Ba Lan năm 2016 đạt 790 triệu USD; trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt 598 triệu USD, giá trị xuất khẩu của Ba Lan vào Việt Nam đạt 192 triệu USD.
Riêng 9 tháng năm 2017, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước đạt 703 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Theo ông Võ Tân Thành, Việt Nam xác định Ba Lan là một trong những đối tác thương mại hàng đầu tại khu vực Châu Âu, và là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường EU. Ngược lại, Ba Lan cũng xem Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng và lớn nhất trong khu vực ASEAN, đồng thời là cầu nối quan trọng để hàng hóa Ba Lan tiếp cận với thị trường các nước trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng và khai thác hết tiềm năng cũng như lợi thế của mỗi quốc gia trong quan hệ hợp tác kinh tế, đặc biệt là về thương mại, đầu tư. Để thúc đẩy hợp tác thương mại đi vào chiều sâu, Việt Nam và Ba Lan đã và đang tích thực đẩy nhanh tiến độ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Ngoài ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Ba Lan cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia nhằm nâng cao giá trị trao đổi thương mại và quy mô các dự án dầu tư giữa hai quốc gia.
|
Đại diện tổ chức, doanh nghiệp Ba Lan phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Ông Tomasz Pisula, Chủ tịch Cơ quan Thương mại Đầu tư Ba Lan cho biết, Việt Nam – Ba Lan đã có quan hệ hợp tác hiệu quả ở một số lĩnh vực như nông sản (chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam) và dược phẩm. Những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, năng lượng sạch, xử lý nước thải, công nghệ thông tin
Về cơ hội đưa quan hệ hợp tác kinh tế hai nước lên một tầm cao mới, ông Tomasz Pisula nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế đặc biệt trong chiến lược phát triển thương mại của Ba Lan, là một trong 5 thị trường triển vọng nhất để doanh nghiệp Ba Lan đầu tư hiện nay.
|
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Cụ thể, Ba Lan sẽ chính thức đặt Văn phòng của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo thuận lợi cho thương mại, kinh doanh và hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, Hãng hàng không Ba Lan cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam về việc mở các đường bay trực tiếp, tạo điều kiện cho doanh nhân, nhà đầu tư hai nước đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Các hoạt động trên chính là nền tảng để hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh còn Việt Nam có nhu cầu như thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp khai khoáng, năng lượng… Đây chính là động lực để các doanh nghiệp tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin để nắm bắt cơ hội, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ông Lê Tuấn Nam, đại diện Công ty Colian, chuyên sản xuất bánh kẹo, thực phẩm tại Ba Lan chia sẻ, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Ba Lan trong những năm gần đây có sự phát triển nhanh chóng, hiện tại các doanh nghiệp Ba Lan rất quan tâm tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào khu vực Châu Á, vì đây là khu vực có thị trường tiêu thụ lớn, thu nhập người dân tăng nhanh và mức độ chi tiêu cao; trong đó, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, đặc biệt doanh nghiệp Ba Lan rất quan tâm tới thị trường nông sản và thực phẩm tại Việt Nam.
|
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Với 25 năm kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Ba Lan, ông Lê Tuấn Nam cũng cho rằng, Ba Lan chính là vùng “đất lành” dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi đây là một trong những quốc gia có vị trí thuận lợi và nền kinh tế cởi mở ở khu vực Châu Âu.
Chính phủ Ba Lan cũng rất quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp người Việt. Thêm vào đó, tại Ba Lan, cộng đồng người Việt sinh sống và làm ăn khá đông sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng hoạt động kinh doanh đầu tư. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản của Việt Nam như cà phê, hoa quả, hải sản đang là những mặt hàng có nhiều cơ hội mở rộng tại thị trường Ba Lan.
Ông Nguyễn Đức Sỹ, Phó Giám đốc Công ty Euroecofood (Việt Nam) cho biết, việc trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Ba thời gian qua phát triển tích cực nhờ những nổ lực cải cách chính sách và tạo thuận lợi hóa thương mại của hai Chính phủ.
|
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cùng tham dự diễn đàn. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Hiện nay, doanh nghiệp hai nước đã có thể dễ dàng thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu ở nhiều mặt hàng khác nhau, trong đó có nông sản, trái cây. Nhiều loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam như thanh long, xoài… đã có mặt tại thị trường Ba Lan, ngược lại, một số sản phẩm thực phẩm Ba Lan cũng đã được người tiêu dùng Việt Nam biết đến.
Với sự kết nối tích cực giữa cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư, giao thông vận tải giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng, kết quả hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Ba Lan sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới./.