Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các Đề án tái canh cây ăn quả có múi đến năm 2025; thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt… Đây là nhiệm vụ trọng tâm được khẳng định tại hội nghị tổng kết công tác Trồng trọt và Bảo vệ thực vật năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều 15/12.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, ông Vương Đắc Hùng cho biết, năm 2022, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật đã triển khai hiệu quả các kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình. Trong năm 2023, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật cần tập trung thực hiện chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe tổng hợp trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh; xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đến năm 2025; thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ gieo trồng; đảm bảo diện tích theo kế hoạch đề ra, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất...
Ông Vương Đắc Hùng nêu rõ, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tăng cường hơn nữa việc dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng, có biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm bảo vệ năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo mô hình kiên kết, cánh đồng lớn; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất các loại cây trồng, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ; quảng bá tư liệu các loại cây trồng, nhất là quản lý giống cây trồng.
Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt của tỉnh đạt 70.998 ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 365.378 tấn (lúa đạt sản lượng 216.143 tấn; ngô ước đạt 149.236 tấn). Toàn tỉnh hiện có 9.687 ha cây ăn quả có múi; trong đó, diện tích kinh doanh là 7.429 ha, sản lượng ước đạt gần 167.000 tấn.
Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường với tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 là trên 2.034 ha, đạt 105% so với kế hoạch, bằng 106% so với kết quả chuyển đổi năm 2021.
Đồng thời, các địa phương chú trọng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Đến hết quý III/2022, chứng nhận an toàn thực phẩm cho 2.297,9 ha sản phẩm các loại, cấp 21 mã số vùng trồng và duy trì 9 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm nông sản gồm: chuối tươi, nhãn tươi, mía trắng, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn sang các thị trường xuất khẩu khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh ... Mặc dù sản lượng nông sản xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng sản lượng các sản phẩm nông sản của tỉnh, nhưng dần khẳng định năng lực sản xuất và đảm bảo an toàn chất lượng nông sản. Đây là tiền đề quan trọng cho định hướng xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Quý Dương đề nghị ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình phát huy những kết quả đạt được, tập trung tập huấn và chuyển giao các mô hình và kỹ thuật tiên tiến, giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Bên cạnh đó, bám sát địa bàn để nắm bắt kịp thời tình hình dịch hại, chủ động đối phó, ghi nhận nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về liên kết – tiêu thụ trên lúa, rau màu, cây ăn trái. Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để việc chuyển đổi phát huy hiệu quả và bền vững.
Các đại biểu dự hội nghị đã đưa ra nhiều kiến nghị và giải pháp thực hiện các chính sách trong năm 2023 như: hỗ trợ giống tốt cho nông dân, dự báo sâu bệnh, khuyến khích doanh nghiệp, người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập cho nông dân.
Lưu Trọng Đạt