Gia đình anh Kim Ngọc Giang - chị Phương Thu Hồng Điệp huyện Châu Thành thoát nghèo nhờ đầu tư trồng màu . Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN |
Nguy cơ thua lỗ nặng Ông Đỗ Trưng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, cho biết năm nay là lần thứ 2, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai. Mùa khô này, nước mặn xuất hiện sớm hơn khoảng 2 tháng so với đợt thiên tai hạn mặn năm 2015-2016. Từ đầu tháng 12/2019, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các sông rạch, kênh mương thủy lợi đầu mối từ 50 - 70 km. Nhiều diện tích vườn cây ăn trái chuẩn bị thu hoạch bán dịp Tết Canh Tý bị thiệt hại từ 10 – 30 % năng suất do thiếu nguồn nước ngọt. Đặc biệt, diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại dần do nước mặn xâm nhập, khô hạn vì thiếu nguồn nước ngọt để rửa mặn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay, hơn 60.000 ha lúa Đông Xuân của tỉnh đang trong tỉnh trạng bị thiếu nước ngọt, khô hạn. Hiện đã có khoảng gần 6.000 ha lúa bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng; trong đó, gần 3.500 ha bị thiệt hại trên 30% - 70% diện tích có nguy cơ lớn sẽ mất trắng hoàn toàn do không cứu được. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại năng suất nặng nề. Các địa phương có diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại nhiều nhất là Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành. Bà Phan Thị Lan, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú cho biết, bà vừa hủy bỏ toàn bộ 1 ha lúa Đông Xuân trong giai đoạn hơn 40 ngày tuổi, vì không còn cách cứu chữa. Từ đầu tháng 1/2020, nước mân xâm nhập vào ruộng, cây lúa bị cháy lá, nhưng không có nguồn nước ngọt để cứu lúa, cây lúa chết dần đi đến rụi tàn hoàn toàn. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, hiện toàn huyện đã có hơn 1.800 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 30 – 70 %, nhiều nhất tại các xã tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên, An Quảng Hữu. Nguyên nhân, do phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được tiếp ngọt từ tuyến kênh đầu mối là kênh Trà Ngoa từ huyện Cầu Kè và kênh Thống Nhất từ huyện Tiểu Cần, nên vào mùa khô thường không chủ động được nguồn nước ngọt. Năm nay, nước mặn xâm nhập diện rộng và sâu vào sông rạch, kênh mương nên việc sản xuất gặp khó khăn, thiệt hại lớn. Theo ông Lê Văn Phi, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, toàn huyện hiện đã có hơn 1.740 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn trong tổng diện tích tổng số diện tích lúa Đông xuân trên địa bàn gần 5.400 ha lúa; trong đó, 1.110 ha bị thiệt hại trên 30% diện tích. Điều khó khăn trong ứng phó với hạn, mặn ở tỉnh Trà Vinh là do hệ thống thủy lợi từ kênh đầu mối đến kênh mương nội đồng chưa khép kín, thông suốt dòng chảy để động tưới tiêu toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích lúa bị thiệt hại nằm tại các vùng gò cao. Khi các cống đầu mối được đóng lại để ngăn mặn, nguồn nước kênh nội đồng cạn kiệt không thể đưa đến vùng gò cao.Lựa chọn cây trồng phù hợp Cơ cấu lại mùa vụ và chọn cây trồng phù hợp để thích ứng với tình hình thiên tai khô hạn, xâm nhập mặn vốn được nhiều nhà khoa học đề cập, khuyến khích các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện; trong đó, có Trà Vinh vì được cảnh báo là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất vùng của biến đổi khí hậu. Tuy được dự báo, nhưng tính từ đợt thiên tai hạn, mặn 2015 – 2016 đến nay, việc tổ chức cơ cấu lại mùa vụ và thực hiện các mô hình sản xuất cây trồng phù hợp, đảm bảo được tính hiệu quả kinh tế vẫn chưa được nông dân trong tỉnh mạnh dạn thực hiện. Vào đầu vụ xuống giống lúa Đông Xuân, dù ngành nông nghiệp khuyến cáo rộng rãi dự báo khó khăn về hạn mặn, nông dân không gieo sạ lúa ở đất không đủ điều kiện bơm tát mà chuyển đổi sang các cây trồng khác. Thế nhưng, tổng diện tích lúa Đông Xuân nông dân trong tỉnh vẫn gieo sạ hơn 60.000 ha, vượt hơn 10.000 ha được khuyến cáo. Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hơn 2 tháng nay, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách cứu lúa, hoa màu, cây ăn trái. Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi và vận hành đóng mở các cửa cống để ngăn mặn, trữ ngọt. Tỉnh tiến hành thực hiện 455 công trình thủy lợi nội đồng; tổ chức khai thông dòng chảy các kênh, mương nội đồng đang bị ứ đọng, ước khoảng hơn 740 km chiều dài kênh, mương. Các địa phương cũng vận động nông dân huy động máy bơm tát để bơm chuyền từ vùng thấp lên vùng gò cao. Ngành nông nghiệp cũng đã xin tỉnh kinh phí hỗ trợ nông dân bơm tát khoảng 7.000 ha lúa tại các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè và Tiểu Cần. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp khắc phục khó khăn trước mắt để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Về lâu dài, Trà Vinh vẫn cần có giải pháp căn cơ, bố trí cơ cấu lại cây trồng để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Thực tế ở mùa khô này, nhiều nông dân ở Trà Vinh đã “ tự né” được thiên tai hạn, mặn bằng cách không trồng lúa Đông Xuân, chuyển sang trồng rau màu. Điển hình, tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú đã có khoảng 50 hộ nông dân thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Hàm Giang không trồng lúa chuyển sang trồng rau xanh, bí đỏ siêu bông và trái non, cho thu nhập trên 250 triệu đồng/vụ/ha. Ông Sơn Ngọc Thái, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang cho biết, được địa phương khuyến cáo về hạn, mặn khó khăn trồng lúa và được Hợp tác xã nông nghiệp Hàm Giang bao tiêu sản phẩm, ông chuyển sang trồng 0,2ha bí đỏ siêu bông và trái non. Tính đến nay, ông thu hoạch 7 tấn trái bán với giá 6.000 đồng/kg và 1,2 tấn bông bí, bán giá 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nông dân có lúa bị thiệt hại trên 30% diện tích nên bỏ vụ để trồng các loại rau màu bù lại nguồn thu nhập. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích nông dân cắt vụ lúa Đông Xuân ở những vùng không chủ động bơm tát được thay vào đó bằng các cây trồng phù hợp.
Phúc Sơn