Sóc Trăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng bào Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú trồng hẹ bông trên chân ruộng cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Đồng bào Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú trồng hẹ bông trên chân ruộng cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường, hạn mặn luôn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng cần nhiều nước ngọt như: lúa trong mùa khô, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng như giảm diện tích lúa vụ 3 để tăng cường các loại cây trồng khác cần ít nước như: rau, màu, cây ăn trái…

Sóc Trăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 1Đồng bào Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú trồng hẹ bông trên chân ruộng cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tập trung xuống giống và chăm sóc các vụ lúa; trong đó, khuyến cáo người dân hạn chế xuống giống lúa Đông Xuân muộn để tăng diện tích các cây trồng khác.

Niên vụ 2020 -2021, toàn tỉnh đã xuống giống lúa được 186.519 ha, đạt 57,3% kế hoạch. Đến nay, đã thu hoạch được 132.269 ha, đạt sản lượng 827,7 nghìn tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do diện tích lúa Đông Xuân xuống giống chậm hơn cùng kỳ và chuyển diện tích lúa sang các loại cây trồng khác hoặc chuyển diện tích cây trồng sang nuôi thủy sản.

Đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn tỉnh đã gieo trồng được 33.702 ha rau màu các loại, đạt 58,11% kế hoạch, tăng hơn cùng kỳ vài trăm ha; trong đó, hành tím 5.100 ha, ước sản lượng gần 79.000 tấn; cây mía diện tích gần 4.000 ha, sản lượng 270.000 tấn. Các loại cây màu được người dân trồng nhiều trong mùa khô này chủ yếu là rau, đậu các loại, dưa hấu, khổ qua, củ đậu, ngô, khoai, cần rất ít nước và thích hợp trong mùa khô trong khi giá trị kinh tế vẫn cao.

Áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn sạch trong trồng rau, màu, Sóc Trăng đã xây dựng được 129 nhà lưới, nhà màng với diện tích là 8,39 ha, tăng 14 nhà lưới so với đầu năm. Có 6 cửa hàng bán rau an toàn, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP trên rau 35,15 ha.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà vườn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây trồng; đồng thời, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật cho các mô hình trồng mới, cải tạo vườn cây ăn trái.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã xây dựng được 16 vùng trồng được cấp 47 mã code với diện tích 453,31 ha/479 hộ trên cây vú sữa, bưởi, nhãn, xoài nhằm liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu… tại huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đã thực hiện các giải pháp về phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã chỉ đạo các địa phương theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến về tình hình hạn, xâm nhập mặn để kịp thời hướng dẫn các địa phương chủ động nguồn nước, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và hướng dẫn người dân tích trữ nước ngọt khi độ mặn trên sông thấp nhất, tập trung nguồn vốn để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, thực hiện các giải pháp cấp nước an toàn khu vực nông thôn…

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm