Hiệu quả từ mô hình trồng chuối ở vùng rừng U Minh Hạ

Vùng trồng chuối ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Nguồn: baocamau.com.vn
Vùng trồng chuối ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Nguồn: baocamau.com.vn

Sản phẩm chuối Cà Mau được tiêu thụ rộng khắp không chỉ ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ở thành phố lớn mà còn cả xuất khẩu. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là chuối tươi, không qua sơ chế và một phần được chế biến tại địa phương với các sản phẩm chuối sấy, chuối ép… Thời gian gần đây, nhiều nông dân trồng chuối đã tận dụng được cả phần lá cho nguồn thu đáng kể.

Tỉnh Cà Mau có diện tích trồng chuối lớn thứ hai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 5.400 ha với sản lượng đạt gần 60.000 tấn/năm; trong đó, phần lớn diện tích trồng chuối tập trung ở huyện: U Minh, Trần Văn Thời và cả Thới Bình.

Hiệu quả từ mô hình trồng chuối ở vùng rừng U Minh Hạ ảnh 1Vùng trồng chuối ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Nguồn: baocamau.com.vn

Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi có chức năng nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa da dạng sinh học trong Vườn quốc gia. Ngoài ra, còn đáp ứng chia sẻ lợi ích giữa Vườn quốc gia với cộng đồng. Từ đó, cộng đồng dân cư cũng tham gia trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn da dạng sinh học.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, ngụ ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh cho biết, gia đình đã trồng 10 km đất bờ bao của Vườn để trồng chuối lấy lá. Lá chuối thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua, cung cấp cho các cơ sở gói bánh, làm chả ở Cà Mau, Bạc Liêu...

Chị Cảnh cho biết, chuối trồng để lấy lá chỉ hơn nửa năm là thu hoạch, mỗi lần cắt lá chỉ cách nhau hơn 15 ngày. Chuối lấy lá có độ dẻo, làm bánh không bị rách, nên thương lái rất ưa chuộng. Ngoài ra, trồng chuối lấy lá ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch nhanh nên hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng chuối lấy trái.

Với 10 km bờ bao trồng chuối, mỗi lần thu hoạch hơn 10 tấn lá, thu nhập bình quân của gia đình mỗi năm trên 200 triệu đồng. “Gia đình tôi làm nghề trồng chuối bán lá này khoảng 7 năm nay. Khi có khách đặt thì tôi phải róc lá chuối từ sáng tới chiều mới kịp giao khách”, chị Cảnh chia sẻ.

Hiệu quả từ mô hình trồng chuối ở vùng rừng U Minh Hạ ảnh 2Anh Trần Văn Phú chuyên làm công cho các chủ vườn trồng chuối lấy lá, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Nguồn: baocamau.com.vn

Hiện, có 11 hộ sử dụng đất bờ bao của Vườn Quốc gia U Minh Hạ để trồng chuối; trong đó, có 3 hộ chuyên trồng chuối bán lá. Theo những hộ dân này, từ khi thực hiện mô hình mà đời sống người dân dần ổn định, vươn lên khá giả. Trồng chuối giờ không còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát như trước. Nhiều người dân đã chuyển sang trồng chuyên canh cây chuối và đã hình thành mô hình kinh tế hẳn hoi, được đầu tư bài bản, khép kín, kê liếp ở vùng U Minh Hạ.

Ngoài ra, nổi bật là mô hình trồng chuối già Nam Mỹ, đây cũng được xác định là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Cà Mau. Thực tế, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi sản phẩm chuối già Nam Mỹ của Cà Mau đường đường chính chính có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu tại các thị trường Malaysia, Singapore, Dubai, Trung Quốc… Đặc biệt, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ đã giải quyết việc làm ổn định tại địa phương.

Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau có khoảng 20 cơ sở thu mua chuối tập trung tại huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, sản lượng tiêu thụ khoảng 10.000 tấn chuối tươi/năm; 1.300 tấn chuối khô/năm. Cà Mau chưa có cơ sở chế biến bột chuối hay sản phẩm chuối đóng gói. Do đó, trong định hướng thời gian tới, Cà Mau sẽ xây dựng vùng thâm canh chuối tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô khoảng 2.000 ha, đưa năng suất chuối 20 tấn/ha/năm; sản lượng 108.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng mô hình canh tác chuối xiêm đặc sản Cà Mau.

Trong bối cảnh hội nhập sâu cùng quốc tế, phát huy tiềm năng và lợi thế địa phương, Cà Mau tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; trong đó, chú trọng những sản phẩm mang tính lợi thế, các sản phẩm chủ lực, như: tôm đông lạnh, tôm sinh thái, bánh phồng tôm, cua biển, gạo hữu cơ, gỗ và chuối.

Đây là mục tiêu hướng đến nhằm tăng tỷ trọng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm; đảm bảo việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, bền vững, tăng thu nhập của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động, phấn đấu góp phần đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là từ 6,5-7%/năm.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm