Toàn cảnh ao nuôi cá chép áp dụng công nghệ “sông trong ao” tại hộ gia đình anh Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). |
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 21.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số vùng nuôi trồng thủy sản lớn của Hà Nội có thể kể đến là Ba Vì, Phú Xuyên… Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thu hút sự tham gia của trên 18.000 hộ, 23 hợp tác xã thủy sản và 17 cơ sở sản xuất giống. Hiện tại, sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt trên 110.000 tấn/năm, tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hà Nội.
Nuôi cá áp dụng công nghệ “sông trong ao” là mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 11/2018. |
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hà Nội vào khoảng 250.000 tấn/năm. Để đáp ứng nhu cầu về sản lượng và chất lượng thủy sản, việc ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được ngành nông nghiệp Hà Nội xem là giải pháp quan trọng. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai mô hình nuôi cá áp dụng công nghệ “sông trong ao” trên địa bàn thành phố. Mô hình này được thực hiện tại 3 huyện: Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên với quy mô 5 ha và 5 hộ tham gia. Tham gia mô hình này, các hộ được hỗ trợ 100% cá, 30% thức ăn công nghiệp và 30% chế phẩm sinh học cho 01 ha.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thăm quan mô hình nuôi cá chép áp dụng công nghệ “sông trong ao” của gia đình ông Phan Nhân Lợi (điện thoại: 0165.2033.222) ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). |
Theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đánh giá, nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” có nhiều ưu điểm như: Nước trong ao gần như không cần phải thay thế nhưng vẫn có sự tuần hoàn, chỉ cần xử lý nước ở ngoài khu vực nuôi và sử dụng men vi sinh để quản lý chất lượng nước ao nuôi. Hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, thịt cá săn chắc, thơm ngon, chu kỳ chăn nuôi ngắn, năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần so với cách nuôi cá truyền thống. Sau khi thu hoạch cá cho phép thả con giống nuôi mới ngay mà không cần xử lý đáy ao. Thức ăn dư thừa và phân cá được thu gom ra bên ngoài nên môi trường nước không bị ô nhiễm.
Thay vì nuôi cá ở môi trường nước tĩnh trong ao, ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai lại thiết kế các bể nhỏ có nước chảy liên tục. Khi sống trong môi trường nước chảy liên tục, đàn cá vận động và bơi ngược dòng 24/24 giờ. Nhờ vậy, chất lượng thịt cá thu hoạch trở nên săn chắc, thơm ngon hơn. |
Năm 2017 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ Biofloc, được thực hiện tại 4 vùng sinh thái của thành phố cho năng suất trung bình lên tới 20 tấn/ha (cao hơn 2 lần so cách thức nuôi truyền thống). Qua đó, giúp tăng giá trị kinh tế trên 30% cho người nuôi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ (thứ ba, từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản với ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). |
Là một trong 05 hộ tham gia mô hình nuôi cá áp dụng công nghệ “sông trong ao” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, ông Phan Nhân Lợi (điện thoại: 0165.2033.222) ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai chia sẻ: “Đây là công nghệ “sông trong ao”. Sau khi được cho đi tập huấn, tôi thấy mô hình này hay, mới lạ nên học theo. Ưu điểm lớn của công nghệ này là tăng được mật độ nuôi thả. Trước đây, trong ao tôi chỉ thả nuôi được 1 - 2 con/m2 còn bây giờ mỗi m3 bể tôi thả nuôi được tới 60 con. Năng suất thu hoạch về sau tăng cao hơn hẳn”. Do tính chất nuôi thả với mật độ cao nên hệ thống nước tuần hoàn và sục khí cần hoạt động liên tục 24/24h. Để đảm bảo điều này, người nuôi cần lựa chọn thực hiện ở những khu vực có nguồn điện mạnh liên tục hoặc chuẩn bị sẵn sàng máy phát điện khi xảy ra sự cố mất điện.
Áp dụng công nghệ “sông trong ao” để nuôi cá rô phi tại hộ gia đình anh Nguyễn Tuấn Văn ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). |
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” là mô hình mới được du nhập vào Việt Nam vài năm nay. Các loại cá được nuôi trong mô hình này chủ yếu là rô phi, cá chép, cá trắm. Việc phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản như mô hình nuôi cá áp dụng công nghệ “sông trong ao” sẽ góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng thủy sản của Hà Nội, mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, giúp người nuôi trồng thủy sản Hà Nội khai thác tối đa diện tích ao nuôi.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thăm quan mô hình nuôi cá rô phi đơn tính áp dụng công nghệ “sông trong ao” của gia đình anh Nguyễn Tuấn Văn ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). |
Bài và ảnh: Hoàng Hà