Để thực hiện chương trình, các giáo viên cùng tổ bộ môn đã họp với cán bộ, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phân công lịch ghi hình, thống nhất nội dung giảng dạy của từng giáo viên. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Cùng theo dõi tiết họcTiếng Anh với con gái đang học lớp 9, chị Nguyễn Thu Hằng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng giáo viên giảng tốc độ vừa phải, nội dung dễ hiểu. Tuy nhiên, chị Hằng cho rằng thời lượng 30 phút/tiết học là hơi ngắn. “Mỗi môn nên kéo dài 45 phút, nhất là với hai môn Ngữ văn và Toán. Bình thường, thời khóa biểu sẽ xếp 2 tiết Ngữ văn hoặc Toán liền nhau để bài giảng được liền mạch, học sinh không bị ngắt quãng sự chú ý. Hơn nữa, học trên lớp có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, còn việc dạy học trên truyền hình thiếu sự tương tác nên cần có sự đảm bảo rằng học sinh hiểu bài”, chị Thu Hằng bày tỏ.
Em Trần Đỗ Phương Ngọc (học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên, quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng bài giảng dễ hiểu, có ví dụ, dẫn chứng sinh động, cụ thể. Giáo viên giảng đúng trọng tâm, bám sát chương trình học. Tiết học đã hệ thống lại kiến thức của học kỳ 1 để buổi sau bắt đầu học bài mới.
Sau buổi học đầu tiên với hai môn Ngữ văn và Tiếng Anh, em Lại Khánh Ngọc (học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, em thấy dễ hiểu, nhất là môn Ngữ văn. Giáo viên dạy chậm nên có thể nhớ bài luôn. Bài giảng được tiếp nối với các bài đang học trên lớp nên không bị gián đoạn do nghỉ học quá lâu.
“Em rất thích cách cô giáo hệ thống kiến thức, một số ý dạy theo sơ đồ tư duy, dễ hiểu, dễ nhớ. Một số hình thức sơ đồ tư duy theo kiểu cán cân một bên nặng bên nhẹ giúp học sinh hiểu cái nào cần đẩy mạnh, cái này phản ánh được cái kia. Cô dạy khá truyền cảm nên em hứng thú học hơn. Môn Tiếng Anh thì dạy tương đối giống trên lớp. Phần cuối có lồng ghép về dịch COVID-19 mang tính thời sự, cho người xem thấy được tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo liên quan đến bài học, giúp học sinh hứng thú hơn, tìm hiểu sâu hơn bài học”, em Khánh Ngọc nhận xét.
Bố mẹ của em Khánh Ngọc cũng đánh giá rằng điểm cộng của việc học trên truyền hình là giờ phát sóng hợp lý, học sinh tiếp thu tốt. Trong thời gian chuyển tiếp giữa hai tiết học có bản tin về dịch COVID-19, học sinh có thể xem và cập nhật những thông tin nóng. Tuy nhiên, hạn chế chung của học trên truyền hình là thời gian ngắn, học sinh đang hứng thú học thì hết thời lượng chương trình.
Theo lịch học, học sinh lớp 9 sẽ học các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh vào lúc 9 giờ 15 phút, mỗi ngày học một môn. Học sinh lớp 12 sẽ học các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh, theo các khung giờ học 14 giờ 30 phút, 15 giờ 15 phút và 16 giờ. Mỗi tiết học trên truyền hình có thời lượng 30 phút.
Bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do giáo viên giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao giảng dạy. Điều này góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó trưởng ban Ban biên tập Chương trình truyền hình (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) cho biết, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện nghỉ học do dịch COVID-19 quá dài và giải tỏa lo lắng của nhiều phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho các em lớp 9 và 12. Qua ngày đầu tiên phát sóng, nhiều phụ huynh bày tỏ muốn có chương trình dạy học cho các lớp khác, tuy nhiên trước mắt những người làm chương trình chỉ đáp ứng được hai lớp 9 và 12. Để triển khai chương trình này với nhiều môn học, tiết học, số lượng phát sóng là 4 buổi/ngày, chúng tôi đã nỗ lực trong điều kiện triển khai rất gấp. Các ê kíp sản xuất đã làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi ngày quay từ 8 đến 12 tiết học, quay đến đâu làm hậu kỳ đến đó. Các thầy, cô cũng sẵn sàng túc trực cùng với ê kíp để có được những tiết học chất lượng phục vụ học sinh toàn thành phố.
Tham gia ghi hình môn Sinh học ngày 10/3, thầy giáo Vũ Đình Lâm (Trường Trung học phổ thông Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết, để thực hiện chương trình, các giáo viên cùng tổ bộ môn đã họp với cán bộ, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phân công lịch ghi hình, thống nhất nội dung giảng dạy của từng giáo viên.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai học trên truyền hình cho gần 200.000 học sinh lớp 9 và 12 từ ngày 9/3 khiến phụ huynh, học sinh hào hứng. Bởi lẽ các em có thể cập nhật kiến thức mới thay vì chỉ ôn lại kiến thức cũ qua hình thức trực tuyến hoặc từ sự hướng dẫn gián tiếp của giáo viên qua email, điện thoại hay mạng xã hội thời gian qua.
Theo đánh giá của nhiều hiệu trưởng, hình thức học tập này khá thuận tiện bởi các gia đình đều có điều kiện tiếp cận. Đội ngũ giáo viên giảng dạy trên truyền hình cũng được ngành giáo dục chuẩn bị kỹ, các bài giảng do giáo viên giỏi của thành phố đảm nhiệm nên thu hút được học sinh. Đây cũng là dịp để giáo viên toàn thành phố cùng xem và học tập, rút kinh nghiệm cho công tác giảng dạy.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết định để học sinh các cấp học trên địa bàn nghỉ học đến ngày 15/3, sau đó tùy tình hình thực tế mà thành phố sẽ quyết định thời gian đi học trở lại.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, sở đã có cuộc họp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội về việc ghi hình, biên tập để triển khai dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12. Bên cạnh đó, sở bố trí giáo viên xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, phối hợp ghi hình ngay từ trưa 7/3 để đảm bảo tiến độ.
Nguyễn Cúc