Cơ quan chức năng lắp đặt chốt kiểm soát ở ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã, người dân tiếp tế thực phẩm cho người thân phải gửi qua trạm kiểm tra. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Ghi nhận tại khu vực bị cách ly là một xưởng sửa chữa xe ô tô có địa chỉ là số 30 - 32 Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nơi trước đó tài xế D.Đ.P (chở bệnh nhân N.H.N) đã được xác định có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đến địa điểm này để sửa xe, công tác phong tỏa hiện trường, cách ly được thực hiện rất tốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố. Đáng chú ý, người dân xung quanh khu vực này đã tự nâng cao ý thức chủ động cách ly khỏi khu vực này. Anh Bùi Quốc Huy, tài xế Grab thường đỗ đón khách trước cửa xưởng sửa chữa ô tô này cho biết, để phòng, chống dịch bệnh, hàng xóm và các hộ kinh doanh tại đây đều di chuyển cách xa khu vực bị cách ly, thậm chí không ngồi các quán trà đá ở khu vực này. Ngoài ra, người dân đều bảo nhau nâng cao ý thức phòng dịch bằng cách luôn đeo khẩu trang, hạn chế nói to trực diện vào người khác, cũng như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh chung.
Cơ quan chức năng lắp đặt chốt kiểm soát ở ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã, người dân tiếp tế thực phẩm cho người thân phải gửi qua trạm kiểm tra. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng liên quan của quận đã lập toàn bộ danh sách những người có tiếp xúc với tài xế D.Đ.P ở khu vực 30 - 32 Phạm Văn Đồng. Danh sách những người này có địa chỉ rõ ràng và cũng đã quyết định cách ly 11 người. Đối với 4 người đã trở về quê, quận đã báo cáo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông tin tới các tỉnh để thực hiện biện pháp tiếp theo. Trao đổi qua điện thoại với anh T.S.H, người dân đang sống trong khu vực bị cách ly tại phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) được biết, do đang nằm trong diện bị cách ly, nên gia đình được chính quyền và cơ quan chuyên môn khá quan tâm về đời sống sinh hoạt cũng như chăm sóc y tế. Tuy nhiên không phải vì vậy mà gia đình chủ quan mà thường xuyên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, hàng ngày đo thân nhiệt nhiều lần để cập nhật tình trạng sức khỏe cơ thể, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, cũng như thực hiện vệ sinh toàn bộ nhà nhà cửa quần áo, qua đó góp phần phòng bệnh ở mức độ cao nhất. Trong diễn biến liên quan, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho 195 người dân thuộc diện cách ly tại phố Trúc Bạch sử dụng. Mỗi đợt cấp phát sẽ đáp ứng 3 ngày sử dụng của người dân trên cơ sở đã tính toán. Cũng trong sáng 8/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự báo, diễn biến dịch đang phức tạp, khó lường, nguy cơ lây nhiễm cao, không loại trừ sẽ xuất hiện các trường hợp nhiễm mới. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, cùng với chính quyền, cơ quan chuyên môn liên quan của thành phố, thì người dân là yếu tố quyết định thành công của công tác phòng, chống dịch COVID-19, bởi lẽ thực tế trên khắp thế giới, khi vào các kịch bản xấu, ngành y tế hay cả chính quyền chắc chắn sẽ không thể làm xuể. “Người làm tốt nhất chính là người dân. Người dân tự giác chăm sóc sức khỏe, giám sát người nhiễm, người nghi nhiễm là hiệu quả nhất. Người dân chính là yếu tố quan trọng nhất. Muốn làm được thì chính quyền phải minh bạch, công khai để người dân tin tưởng”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Nhân viên Công ty Môi trường đến vận chuyển rác thải cho các hộ dân sống trong khu vực cách ly. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Có thể nói, việc giám sát, cách ly có vai trò mấu chốt trong ngăn chặn lây nhiễm. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều thực hiện tốt công tác cách ly, giám sát. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những cách làm khác nhau để đạt hiệu quả cao. Đơn cử như huyện Mê Linh và huyện Đông Anh có nhiều khu công nghiệp lớn, trong đó, có nhiều người nước ngoài làm việc, nên công tác phòng, chống dịch được các địa phương này đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cả hệ thống chính trị cùng với người dân, doanh nghiệp được huy động phòng dịch với phương châm “Chống dịch như chống giặc”. Cụ thể, tại huyện Mê Linh, chính quyền cùng với các lực lượng liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nắm rõ được số lượng người Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc trên địa bàn, nhất là lịch trình đi lại của số người này, qua đó góp phần làm tốt công tác khoanh vùng, giám sát các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Còn tại huyện Đông Anh, Huyện ủy Đông Anh đã tổ chức hai kỳ sinh hoạt chuyên đề về dịch COVID-19 tại tất cả các chi bộ, quán triệt tới toàn bộ 13.000 đảng viên trên địa bàn. Từ các chi bộ, đảng viên, công tác chống dịch được lan tỏa ra các đoàn thể, đến cộng đồng.
Nguyễn Thắng