Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 6/3, tại thành phố Lào Cai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  ảnh 1Cánh đồng lúa chín của bà con dân tộc thôn Na la, xã Tà Chải, Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến về các nội dung: quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất... nhằm giải quyết tốt các vấn đề đặt ra từ thực tiễn địa phương; tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai, giảm nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai...

Cho ý kiến về căn cứ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đại diện huyện Bảo Yên nhấn mạnh, từ Điều 188 đến Điều 190 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhắc đến 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) quy định gia đình, cá nhân khi được giao đất rừng và sử dụng kết hợp với mục đích trồng cây hằng năm, cây dược liệu, chăn nuôi; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí được phép xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế ở các địa phương miền núi như Lào Cai, vấn đề đất ở của người dân đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng sạt lở đất diễn ra nhiều. Vì vậy, trong 3 quy định về đất rừng nên bổ sung thêm nội dung “nếu như đất rừng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì cho phép địa phương được chuyển mục đích một phần đất rừng sang đất sản xuất”.

Liên quan đến việc thu hồi đất phải đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất tốt hơn hoặc ít nhất là bằng trước khi bị thu hồi đất, tại khoản 2 Điều 89 của dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải xây dựng khu tái định cư; đồng thời, quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của vùng miền.

Theo các đại biểu, trong thực tế, để không thiệt thòi cho người dân, khi Nhà nước thu hồi đất ở và đến nơi ở mới cần có bổ sung cụ thể hơn. Trước khi Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thì công tác tái định cư phải được thiết lập trước. Hạ tầng, kỹ thuật như đường, điện, trường, trạm phải đảm bảo theo tiêu chuẩn xây dựng, được nghiệm thu đảm theo quy định, được nhân dân chấp thuận... thì mới ký quyết định cấp tái định cư. Đồng thời, khi thể chế hóa phải có tiêu chí cụ thể thì việc kiểm tra, giám sát mới dễ dàng; nên lưu ý đến trường hợp địa chất, địa hình của khu vực tái định cư, khi phải san gạt hay đóng móng cọc thì có chính sách hỗ trợ ra sao.

Cũng liên quan đến vấn đề thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật tỉnh Lào Lào Cai, cần đảm bảo quyền lợi Nhà nước - doanh nghiệp - người dân bởi thực tế, khi đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ làm tăng giá trị đất, nhất là khi lấy đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phi nông nghiệp. Vì vậy, cần chia sẻ lợi ích giữa các bên khi giá trị đất tăng lên so với bảng giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng.

"Về chính sách đền bù khi thu hồi đất trong dự thảo Luật đã làm rõ về xây dựng bảng giá đất, nhưng đề nghị việc định giá tài sản trên đất cũng thực hiện như việc xây dựng bảng giá đất cho sát hợp với thực tiễn hằng năm của tỉnh. Làm tốt nội dung này nhằm khắc phục tình trạng bất cập về lợi ích của người sử dụng đất, khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, khắc phục tình trạng lợi ích nhóm, doanh nghiệp bắt tay với quan chức để thao túng đất đai. Trên thực tế đã xảy việc lợi dụng chủ trương đổi đất lấy công trình, Nhà nước thu hồi đất của người dân để đổi trả cho doanh nghiệp lấy công trình với khung giá đất thấp, doanh nghiệp bán thu lời với giá cao gấp nhiều lần", ông Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong cộng đồng dân tộc thiểu số quy định tại Điều 42, theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật tỉnh Lào Lào Cai, nên quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng cần có sự trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và sự giúp đỡ của Hội Nông dân thẩm định phương án góp vốn để tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để chiếm dụng quyền sử dụng đất.

Tính đến ngày 2/3/2023, hệ thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai và các tổ chức thành viên đã tổ chức 503 hội nghị, cuộc họp với hơn 30.180 người tham dự lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm