Ngày 11/10, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách đất đai trong nông nghiệp và góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.
Phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Luật Đất đai ra đời cách đây hơn 30 năm và trải qua 5 lần sửa đổi, lần sửa đổi gần nhất vào năm 2013. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm áp dụng, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư cũng như gây lúng túng cho cơ quan quản lý trong thực thi chính sách pháp luật về đất đai. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai. Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật đất đai và các chuyên gia nghiên cứu về đất đai cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Thạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Dự thảo đã bổ sung một số quy định liên quan đến hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai và tiếp cận của công dân đối với các thông tin đất đai; thay đổi cơ bản trong định giá đất, hướng đến việc định giá đất một cách thực chất, sát với thị trường; nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng giới. Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, hạn mức người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới; có các quy định cụ thể trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu các vấn đề như: Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; bồi thường, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất; một số điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và vấn đề quy định tội phạm trong Luật Đất đai. Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã thảo luận, chia sẻ về tích tụ tập trung đất đai tại Tây Nguyên, thực trạng và đề xuất chính sách. Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẻ về những vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và đề xuất một số ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở nội dung, ý kiến góp ý từ hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp thành báo cáo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo sát với thực tiễn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoài Thu