Nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) giai đoạn 2021-2026, sáng 5/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: sau hơn 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung như: các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; nguồn lực về đất đai chưa thực sự phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích… Vì vậy, hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định với quy mô không lớn nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan Nhà nước. Vì vậy nên cân nhắc quy định: tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định.
Theo ông Tiến, cần xem xét lại việc bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung để bảo đảm định hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp. Về các phương thức tích tụ đất nông nghiệp cần bổ sung phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất.
Góp ý nội dung phân loại đất đai, chế độ sử dụng đất, Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thức đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng nhấn mạnh, với những quy định mới này, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiếp cận với đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận góp ý nội dung về quy hoạch, sử dụng đất, về tích tụ đất đai từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể như: khắc phục tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ- TW liên quan đến vấn đề giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Lý Thanh Hương