Theo thời gian, nhiều làng nghề truyền thống hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và bảo tồn các làng nghề truyền thống tại địa phương; trong đó, việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần khai thác và phát huy bản sắc vùng miền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của các làng nghề, nâng cao sinh kế cho người dân giúp giữ gìn, bảo tồn và phát triển các làng nghề tại địa phương.
Làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã có trên 700 năm tuổi. Với sự sáng tạo, thừa kế nghề di sản của cha ông, những người thợ làng Văn Lâm đã làm ra những sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay nghề thêu ren đang phải đối diện với nhiều thách thức. Số người có tay nghề làm ra những sản phẩm chất lượng cao giảm nhanh. Hiện cả thôn chỉ còn 9 nghệ nhân; trong đó có 5 nghệ nhân còn đủ sức khỏe minh mẫn có thể làm nghề. Nhiều thợ thêu đã chuyển sang làm các lĩnh vực khác.
Ông Vũ Thanh Luân, Chủ tịch Ban Chấp hành làng nghề thêu Văn Lâm cho biết, từ năm 2019, nhiều sản phẩm thêu ren của làng nghề đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Từ khi tham gia chương trình, các sản phẩm của làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong nước và nước ngoài; được hỗ trợ về bao bì, logo. Qua đó đã góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Những mục tiêu và lợi ích của chương trình OCOP mang lại đã giúp cho làng nghề truyền thống có thêm động lực để phát triển những sản phẩm chất lượng cao không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn giữ gìn được những nét đặc trưng riêng của làng nghề.
Chị Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Minh Trang, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư chia sẻ, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm 26 năm xuất khẩu hàng thêu ren Văn Lâm đến thị trường các nước Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Đan Mạch, Australia...
Sản phẩm thêu ren luôn được doanh nghiệp tuyển chọn kỹ càng, chú trọng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi tham gia chương trình OCOP, công ty càng hiểu rõ và nâng cao trách nhiệm chuẩn hóa các sản phẩm, chú trọng chất lượng sản phẩm thêu ren, đổi mới mẫu mã, cập nhật theo thị trường nhưng vẫn luôn dựa trên những giá trị văn hóa đã được gây dựng từ trước. Các sản phẩm không chỉ giúp người tiêu dùng sử dụng hiệu quả công năng mà vẫn lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống nghề thêu ren Văn Lâm.
Ninh Bình hiện có 75 làng nghề; trong đó, có 2 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển các làng nghề; trong đó có sự góp phần của chương trình OCOP. Nhờ đó, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường như các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, chế biến cói, gốm sành sứ, sản xuất bún bánh, trồng đào phai...
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, phát huy lợi thế vùng miền với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi một địa phương. Vì vậy việc phát triển chương trình OCOP có thể khơi dậy được truyền thống văn hóa và lịch sử của các làng nghề góp phần quan trọng khơi dậy tiềm năng lợi thế tạo sức bật cho các sản phẩm truyền thống đặc thù của mỗi địa phương.
Nhằm đẩy mạnh chương trình OCOP, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các điểm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP; tổ chức gian trưng bày sản phẩm tại các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ về bao bì sản phẩm, logo, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các sản phẩm được chứng nhận sao OCOP.
Qua hơn 3 năm triển khai, chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng tạo nên động lực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 26 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 2 sản phẩm có tiềm năng 5 sao; 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Hai sản phẩm của làng nghề được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao như sản phẩm Gốm Bồ Bát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát, sản phẩm thêu ren truyền thống của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Minh Trang.
Các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng có bước tiến về chất lượng, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp chung cho sự thành công của chương trình.
Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện để gìn giữ, phát huy các nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ như tham mưu với UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng chính sách riêng hỗ trợ kịp thời các dự án/chương trình/đề án nhằm bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên ban hành các chính sách để bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa địa phương; thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương, ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung phát triển nghề, làng nghề.
Đặc biệt, Ninh Bình quan tâm tới bảo tồn và phát huy giá trị các nghề thủ công truyền thống gắn với văn hóa địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp đã có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường làng nghề, lối sống văn minh tại các làng nghề, làng nghề truyền thống.
Các ngành, các cấp tăng cường phối hợp trong việc hướng dẫn các địa phương có làng nghề thành lập các mô hình quản lý phù hợp với quy mô phát triển như các hiệp hội, hội nghề nghiệp, các ban quản lý, tổ tự quản..., từng bước giúp làng nghề thoát khỏi tình trạng phát triển tự phát như hiện nay.
Hải Yến