Những năm vừa qua, sản phẩm nhựa, inox... được ưa chuộng khiến sản phẩm mây tre đan gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiếp cận và mở rộng thị trường. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp mây tre đan trên địa bàn Hà Nội vẫn quyết tâm giữ nghề, gìn giữ những giá trị truyền thống. Công ty cổ phần sản xuất Bảo Minh là một điển hình như thế!
Thành lập từ năm 2017, Công ty cổ phần sản xuất Bảo Minh được thành lập từ ý tưởng của anh Dương Anh Xuân, một cựu sinh viên ngành quản trị công nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhận thức được khó khăn, thử thách của một doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là những đòi hỏi khắt khe về nguyên liệu, kỹ thuật, hệ thống máy móc sản xuất, đầu ra sản phẩm... anh Xuân chọn địa bàn huyện Chương Mỹ - cái nôi của nghề mây tre đan truyền thống để đặt cơ sở sản xuất. Tại đây, anh Xuân thành lập 5 xưởng sản xuất, lấy xã Đông Phương Yên làm trung tâm để tập hợp thợ, cùng nhau sáng tạo sản phẩm mây tre đan mang thương hiệu Bảo Minh.
Bảo Minh khai thác nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như mây, tre, dừa, cỏ, cọ… Từ những nguyên liệu này, thông qua bàn tay, bộ óc sáng tạo, người thợ mây tre đan Bảo Minh tạo ra các sản phẩm có tính thẩm mỹ và phong cách hiện đại. Nét truyền thống trên sản phẩm mây tre đan Bảo Minh là những họa tiết văn hóa bản địa được đưa vào từng sản phẩm, cách điệu hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan, chuốt rất cầu kỳ, tinh tế.
Những năm vừa qua, sản phấm mây tre đan Bảo Minh được xuất khẩu mạnh sang thị trường Tây Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc với doanh số khoảng từ 3 triệu - 5 triệu USD/ năm. Anh Dương Anh Xuân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Bảo Minh cho biết: Bảo Minh đặt ra mục tiêu xuất khẩu sản phẩm mây tre đan sang 30 quốc gia lớn trên thế giới và đưa Nhà máy sản xuất sản phẩm mây tre đan Bảo Minh thành điểm đến của tour du lịch làng nghề.
Bài và ảnh: Nguyễn Việt