Bài 1: Thay đổi nhận thức từ cộng đồng Sau một thời gian ra quân đồng loạt triển khai tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khu vực cũng như tuyến đường ở 24 quận, huyện không chỉ thông thoáng mà những vỉa hè cũng trở nên sạch đẹp, khang trang tạo điều kiện cho người dân thành phố đi lại thuận tiện. * Nhiều vỉa hè thay áo mới Ghi nhận thực tế trên các tuyến đường chính thuộc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tại các địa bàn quận 1, 3, 7, Bình Thạnh, Tân Bình... những vỉa hè dành cho người đi bộ đã ngày càng hiện ra rõ rệt, tạo nên hình ảnh những con đường, góc phố sạch đẹp, xanh tươi.
|
Hình ảnh các bảng hiệu, mái che, vật dụng, hàng hóa, chỗ để xe cho khách lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường không đúng quy định đã "thưa thớt" bớt, do nhiều đơn vị kinh doanh đã chủ động sắp xếp lại điểm kinh doanh, bán buôn của mình. Bên cạnh đó, tại các khu vực đông đúc như: trường học, bệnh viện, bến xe... tình trạng bị hàng rong "bao vây" cũng được giảm đi rất nhiều từ khi triển khai các thông tin tuyên truyền, thông báo chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của lãnh đạo thành phố và sự thực hiện đồng bộ của 24 quận - huyện trên địa bàn. Trao đổi với phóng viên, bà Liên Anh, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, cho biết: Nếu trước đây, mỗi sáng đưa cháu nội đi nhà trẻ phải chịu cảnh bon chen với những hàng quán kinh doanh vỉa hè hay người bán hàng rong, nhưng gần đây không còn tình trạng này nữa. Điển hình, trên đường đến trường những hàng quán kinh doanh đã không còn trưng bày hàng hóa hay để bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, còn trước cổng trường không còn những người bán hàng rong tụ tập và mời chào người mua. Tương tự, tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở những tuyến đường liền kề các chợ truyền thống như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Gò Vấp (quận Gò Vấp)... cũng đã từng bước được di dời hoặc giải tán. Tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, hàng ngày Ban Quản lý chợ đã phát loa nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ quy định hoạt động về đảm bảo an ninh trật tư của chợ. Bên cạnh đó, vào các thời gian cao điểm bán buôn, đội ngũ quản lý, bảo vệ tại chợ thường xuyên triển khai công tác an ninh trật tự, đảm bảo người kinh doanh không có hành vi lấn chiếm vỉa hè để bán buôn. Theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, trên tinh thần chấn chỉnh việc lấn chiếm vỉa hè, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ dân hai bên đường nên quận đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp bám sát chủ trương của thành phố. Từ đầu tháng 3/2017, quận 7 đã triển khai và duy trì hoạt động tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh, người bán buôn không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè hoặc tụ tập bán buôn ở những khu vực "cấm". Ngoài ra, việc kẻ lại vạch sơn trên các tuyến đường chính trên địa bàn 10 phường thuộc quận cũng được triển khai khẩn trương. * Hỗ trợ chuyển đổi nghề Đánh giá về kết quả triển khai lập lại trật tự vỉa hè trong thời gian qua, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 134 tuyến đường trên địa bàn quận thì có hơn 100 tuyến đường đã thông thoáng. Bên cạnh đó, quận cũng thực hiện khảo sát, thống kê có gần 600 hộ kinh doanh vỉa hè, trong đó số hộ thuộc diện nghèo chiếm gần 50%. Trước tình hình đó, UBND quận đã tư vấn, giới thiệu việc làm đối với những hộ thuộc diện nghèo đồng ý chuyển đổi công việc, còn những hộ không muốn chuyển đổi sẽ được tổ chức địa điểm kinh doanh phù hợp. Không chỉ quận 1, mà trong thời gian gần đây, nhiều quận - huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh khảo sát, thống kê tình hình buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát trên địa bàn. Tại quận 8, qua khảo sát, thống kê trên địa bàn có gần 1.400 hộ buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, trong đó bao gồm cả buôn bán hàng rong và chợ tạm tự phát. Vì vậy, UBND quận 8, chỉ đạo các phường sớm ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân để có phương án tạo điều kiện kinh doanh mới hoặc chuyển đổi việc làm phù hợp, trong đó ưu tiên những người dân thuộc diện nghèo và cận nghèo. Theo lãnh đạo các địa phương, lập lại trật tự vỉa hè nói chung, tổ chức buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát nói riêng cần sự phối hợp và hưởng ứng của người dân. Bởi một bộ phận không nhỏ người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, là dân nhập cư, không sinh sống cố định ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ lưu trú thời gian ngắn để kinh doanh, bán buôn. Ngoài ra, cũng có nhiều đối tượng kinh doanh, bán buôn theo thời vụ, đến khi tìm được công việc khác thì tạm nghỉ, rồi sau đó trở lại hoạt động buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát. Liên quan đến tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Các sở ngành cũng như lãnh đạo 24 quận - huyện trên địa bàn thành phố, trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, cần sắp xếp tổ chức kinh doanh hàng rong, chợ tạm, bán buôn tự phát một cách hợp lý. Đặc biệt, phải đảm bảo chuyển đổi ngành nghề, tư vấn và tạo công ăn việc làm cho người dân, trong đó chú trọng người dân thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nhấn mạnh thành phố không chủ trương "đẩy đuổi" người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, ông Nguyễn Thành Phong, yêu cầu các đơn vị đối với các giải pháp chấn chỉnh trật tự đô thị cần tính đến việc khuyến khích, vận động, hỗ trợ người dân chuyển nghề hoặc sắp xếp buôn bán ổn định hơn. Trong đó, cùng với lãnh đạo thành phố, các quận - huyện trên địa bàn sẽ nghiên cứu những giải pháp tạo động lực cho người dân thay đổi thói quen lâu nay trong đời sống, sinh hoạt, làm ăn trên vỉa hè, lòng lề đường./.
Đón đọc Bài 2: Đảm bảo ổn định đời sống dân sinh
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi