Giá trị kinh tế mới từ rừng

Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100 ha. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100 ha. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Thay vì chỉ tìm cách khai thác tận diệt tài nguyên từ rừng, nay nhiều người dân ven rừng, nhất là các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn, đã tìm đến những nguồn sinh kế bền vững đi cùng phát triển, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng.

Giá trị kinh tế mới từ rừng ảnh 1Ông Ma Trung Định (ở thôn Cả, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chăm sóc diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) của gia đình nhận khoán. Ảnh: Quang Cường –TTXVN.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, những giá trị của hệ sinh thái không dừng lại ở yếu tố phi vật chất mà còn mang lại giá trị to lớn về vật chất và môi trường sống. Bên cạnh giá trị đến từ gỗ, còn có những loài sâm và thảo dược quý hiếm, những loài nấm có giá trị dinh dưỡng cao, còn có thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản dưới tán rừng. Tính đa dạng không tạo ra sự xung đột, mà ngược lại tạo thêm sự cộng hưởng, phong phú cho rừng. Giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng...

Trước năm 2009, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An toàn là đất trống đồi trọc. Rừng nghèo kiệt nên cuộc sống của bà con rất khó khăn, thậm chí không có nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhận thấy, càng khai thác rừng quá mức thì cuộc sống càng trở lên khó khăn, nên người dân nơi đây bắt đầu chăm sóc, gây rừng trở lại.

Đến nay, rừng đã hồi sinh với nhiều loại cây tự nhiên và người dân còn trồng thêm một số cây ăn quả có giá trị như bưởi, mít, chanh… thu nhập người dân tăng lên ổn định.

Sau một thời gian chăm sóc, ông Hứa Văn Minh, thôn 1, xã Lĩnh Sơn đã có 2 ha đất rừng phủ kín màu xanh trở lại. "Rừng trở lại đã mang nguồn nước trở lại. Hệ sinh thái trong lành, người dân nuôi ong, nuôi dê dưới tán rừng, vào mùa thì thu hoạch hạt dẻ, trồng cây ăn quả... cuộc sống ngày càng ổn định", ông Minh khoe.

Hiệu quả từ những người đi đầu như ông Minh đã giúp thôn 1 đến nay có 27 hộ tham gia, nhận chăm sóc, bảo vệ trên 50 ha rừng; trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên được phục hồi. Người dân nơi đây gần như không phải di cư đi làm kinh tế mà rừng đã mang lại kinh tế thực sự cho bà con, ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết.

Không chỉ với xã Lĩnh Sơn, cả huyện Anh Sơn chủ yếu là đất rừng nên phát triển kinh tế đồi rừng rất quan trọng với người dân.

Ông Nguyễn Văn Hảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn cho biết, mô hình chăm sóc, bảo vệ rừng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn là một trong những điểm sáng của huyện trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Đã nhiều năm qua, trên địa bàn tiểu khu này không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Để làm được điều đó, đại diện 27 hộ dân đã trở thành 27 tuyên truyền viên tích cực để người dân có ý thức giữ rừng, không đưa lửa vào rừng.

Tại nhiều địa phương, người dân cũng đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dựa vào tán rừng. Như Hợp tác xã Hồi hữu cơ Vân Quan, tại xã Bình Phúc, Văn Quan, Lạng Sơn có 16 hộ tham gia bảo vệ 35 ha. Mỗi năm hợp tác xã có doanh thu hơn 7,5 tỷ đồng nhờ phát triển cây hồi hữu cơ. Hay mô hình thuốc Nam truyền thống đồng bào dân tộc Dao, tại Ba Vì, Hà Nội. Mô hình đã tạo thu nhập bình quân khoảng 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm.

Tuy nhiên, không phải nơi rừng núi nào, người dân cũng đã biết nắm bắt, khai thác từ rừng để chuyển mình trong phát triển kinh tế nhưng vẫn gắn kết, bảo tồn, phát huy giá trị của rừng. Như Kỳ Sơn, Nghệ An cũng là huyện chủ yếu là đất lâm nghiệp, với khoảng 98% là đồi núi. Đây là vùng đất có đa dạng sinh học cao và nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên đặc trưng văn hóa rất đa dạng gắn với kiến thức kinh nghiệm truyền thống.

Nơi đây có đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700 m được ví như “Sa Pa của xứ Nghệ”, hứa hẹn tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tri thức bản địa rất lớn.

Tuy nhiên, nơi đây lại có địa hình chia cắt mạnh, đất đai nghèo dinh dưỡng, khí hậu khắc nghiệt. Trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Khơ Mú, Mông..., cuộc sống của người dân phụ thuộc phần lớn vào thu nhập từ khai thác sản phẩm và dịch vụ chi trả môi trường rừng.

Sản phẩm của người dân chủ yếu là sản phẩm thô, mang tính tự túc, tự cấp. Chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, chưa có sản phẩm đặc trưng, nổi bật mang giá trị văn hóa bản địa.

Để phát huy khả năng nội sinh của Kỳ Sơn, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, cần phục hồi và nâng cao giá trị đa dụng của rừng; trong đó thực hiện phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng với mô hình phát triển chuỗi tre luồng, trồng sa nhân, quế, cánh kiến đỏ, trẩu...; chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Giá trị kinh tế mới từ rừng ảnh 2Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100 ha. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Địa phương cần xác định sản phẩm chủ lực để phát triển gắn với xây dựng chuỗi giá trị, chế biến như chè san tuyết, măng đắng, mây tre đan, chưng cất tinh dầu gừng… Từ đó tạo vùng chuyên canh có ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với phát triển cơ sở chế biến, tiêu thụ có chứng nhận, quảng bá sản phẩm.

Đặc biệt, Kỳ Sơn có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc gắn với du lịch văn hóa, tri thức bản địa. Sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương rất độc đáo nếu khai thác du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Puxailaileng, trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái, rèn đúc người Mông, đan lát của người Khơ Mú... Cùng với đó là bảo tồn phát huy bản sắc văn hoa dân tộc thông qua các mô hình câu lạc bộ Khắc - luồng - cồng chiêng - nhảy sạp…

Để người dân có điểm tựa khi chuyển đổi nhận thức, hành động với rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, địa phương cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ, cải thiện đời sống cho người dân đang tham gia bảo vệ rừng tại cộng đồng.

Theo Bộ trưởng, bảo vệ rừng, giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành phương thức quản trị. Đó là chú trọng phát triển kinh tế từ rừng để tạo ra sản phẩm có giá trị. Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hòa, đồng bộ, rộng mở với người dân, gần gũi với cộng đồng thì mới tạo được tính đoàn kết trong nhân dân, kêu gọi bà con cùng chung tay bảo tồn và phát triển rừng bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng giao Cục Lâm nghiệp phối hợp các địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Đây không chỉ là một bản đề án mang tính kỹ thuật thuần túy, mà là một cách tiếp cận mới, một tầm nhìn rộng mở về các giá trị của tài nguyên rừng.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm