Hiệu quả từ việc giao rừng cho dân ở Nam Đông

Người dân địa phương trồng cây gừng gió dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Đỗ Trưởng
Người dân địa phương trồng cây gừng gió dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Đỗ Trưởng

Để bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên rừng, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã giao hàng ngàn hecta rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, đồng thời xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế dưới tán rừng…

Hiệu quả từ việc giao rừng cho dân ở Nam Đông ảnh 1Người dân địa phương trồng cây gừng gió dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Đỗ Trưởng

Huyện miền núi Nam Đông là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Cơ-tu. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, đến nay, Nam Đông đã giao 6.700 ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là rừng nghèo nên việc làm giàu rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ giúp gắn lợi ích kinh tế với quản lý bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc.

Hiệu quả từ việc giao rừng cho dân ở Nam Đông ảnh 2Công cụ máy tính bảng giúp tổ tuần tra xác định tọa độ trong rừng cũng như thu thập những thông tin cần thiết. Ảnh: Đỗ Trưởng

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, huyện đã trồng được hơn 600 ha diện tích lâm sản ngoài gỗ, trong đó chủ yếu là cây song mây. Sau khi được giao đất rừng, các cộng đồng, nhóm hộ còn trồng thử nghiệm dưới tán rừng 65 ha các loại cây dược liệu như: thiên nhiên kiện, ba kích tím, gừng gió... Việc thực hiện hiệu quả đề án làm giàu rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc sinh sống ven rừng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý rừng bền vững.

Hiệu quả từ việc giao rừng cho dân ở Nam Đông ảnh 3Nhóm bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cha Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông trên đường tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đỗ Trưởng

Nhóm bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cha Măng, xã Thượng Lộ có 52 hộ thành viên, được giao quản lý gần 60 ha rừng tự nhiên từ gần 10 năm nay. Hằng tháng, các tổ tuần tra gồm 6 thành viên sẽ thay nhau đi tuần trong khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại. Theo anh Phạm Văn Dương, thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Cha Măng, nếu phát hiện có người vào chặt phá, khai thác trái phép hoặc lấn chiếm đất rừng tự nhiên, các thành viên sẽ ngăn chặn, ghi nhận hiện trường và thông báo cho cán bộ kiểm lâm cơ sở cũng như chính quyền, qua đó chủ động ngăn chặn, phòng ngừa các vụ xâm hại rừng trên địa bàn.

Hiệu quả từ việc giao rừng cho dân ở Nam Đông ảnh 4Đánh dấu cây rừng có đường kính lớn để xác định đây là rừng của cộng đồng. Ảnh: Đỗ Trưởng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã giao khoảng 31.626 ha rừng tự nhiên cho 88 cộng đồng dân cư thôn, 225 nhóm hộ, 157 hộ gia đình quản lý, bảo vệ, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đông, A Lưới. Nhờ kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là công tác giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Nam Đông nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung cơ bản ổn định, tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng giảm nhiều so với giai đoạn trước.

Đỗ Trưởng

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm