Bình Thuận: Hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc

Bình Thuận: Hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã tích cực triển khai cong tác quản lý, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ, phát triển hơn 15.000 ha rừng do đơn vị quản lý. Ảnh:Quang Quyết – TTXVN
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã tích cực triển khai cong tác quản lý, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ, phát triển hơn 15.000 ha rừng do đơn vị quản lý. Ảnh:Quang Quyết – TTXVN

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có địa giới hành chính giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và biển Đông. Tính đến năm 2016, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 351.467 ha, chiếm 44,98 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, rừng tự nhiên là 256.359 ha, rừng trồng là 38.098 ha và đất chưa có rừng là 57.010 ha.

Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên rừng và quỹ đất lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, dân sinh của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Đảng bộ, chính quyền của tỉnh qua các thời kỳ luôn bám sát chủ trương chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.

Đồng thời, cụ thể hoá, vận dụng vào thực tiễn quản lý rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh; sắp xếp hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý rừng. Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, dân nghèo tại chỗ.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua 10 năm triển khai, công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì với diện tích 86.391 ha rừng cho 2.377 hộ, bình quân 36 ha rừng/hộ. Hiện nay, mức kinh phí giao khoán được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 200.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ có thêm thu nhập hơn 7 triệu đồng/năm ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tổng kinh phí thực hiện chi trả tiền công quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 là hơn 140 tỷ đồng. Từ những kết quả này góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, số hộ nghèo đến đầu năm 2017 còn 1.900 hộ, chiếm 9%; hộ cận nghèo còn 1.700 hộ, chiếm 8,44%.

Các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức quán triệt đến các hộ nhận giao khoán về trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn đồng bào thành lập tổ, đội quản lý cũng như phân công lịch tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng được giao tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép.

Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011, số vụ lấn chiếm, phá rừng được phát hiện, lập hồ sơ xử lý 710 vụ/385 ha. Từ năm 2011-2016 không có phá mới diện tích rừng, chủ yếu là tái lấn chiếm trên diện tích bị phá, lấn, chiếm, sử dụng trái phép trước năm 2005. Trong giai đoạn này, đã tiếp tục phát hiện xử lý 84 vụ/18 ha; diện tích này, chủ yếu là tái lấn chiếm trên những diện tích phá rừng của năm 2009, 2010 nhưng thời điểm đó không phát hiện đối tượng để xử lý.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc triển khai chủ trương, chính sách phát triển rừng theo hướng xã hội hoá, huy động đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sản xuất nông lâm kết hợp thông qua các hình thức giao, cho thuê, khoán đất lâm nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích rừng trồng trong giai đoạn 2006 - 2016 tăng thêm trên 30.000 ha; nhiều diện tích đất trống, đồi trọc, hoang hoá, khô hạn được đưa vào trồng rừng (điển hình là các Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển), sản xuất nông lâm kết hợp đạt hiệu quả.

Mặc dù đã triển khai quyết liệt công tác bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật, phá rừng, lấn, chiếm đất vẫn còn diễn ra, chưa ngăn chặn triệt để; đặc biệt xảy ra phức tạp, gay gắt ở một số huyện giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và địa bàn nội địa huyện Tánh Linh (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà). Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng còn hạn chế; chất lượng rừng trồng tại một số đơn vị chưa cao; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hệ thống nhà trạm bảo vệ rừng thiếu…

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai. Đồng thời, tiếp tục đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, thoát khỏi nghèo khó vươn lên làm giàu.

Tỉnh cũng tiếp tục huy động các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; nhân rộng mô hình Quản lý, sử dụng kinh phí giao khoán bảo vệ rừng để thực hiện mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng để người dân phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ rừng. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng trong việc tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
 
Nguyễn Thanh

Có thể bạn quan tâm