Gia Lai ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Dịp Tết đến Xuân về là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao đột biến. Đây cũng là dịp thuận lợi để các đối tượng kinh doanh hàng hóa đầu cơ găm hàng tăng giá, trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thu lợi bất chính.

Do đó, để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tập trung dự trữ đầy đủ nguồn hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Gia Lai on dinh thi truong hang hoa dip Tet Nguyen dan Tan Suu 2021 hinh anh 1 Hàng hóa được bày bán dồi dào tại các siêu thị ở Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, sức mua hàng hóa trên thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ tăng khoảng 12% so với các tháng bình thường trong năm, đặc biệt tháng cận tết nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao khoảng 30%. Để bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã đôn đốc các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xây dựng kế hoạch cụ thể và sẵn sàng đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ cho 2 tháng trước Tết với tổng giá trị gần 16.000 tỷ đồng; riêng tháng cận Tết, lượng hàng hóa được ưu tiên dự trữ hơn 9.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp điển hình đã tập kết hàng hóa về kho dự trữ từ ngay giữa tháng 12/2020 gồm: Co.op Mart Pleiku, VinMart, siêu thị Bảo Thuận, siêu thị Daly Mart-Đức Cơ, Công ty cổ phần thương mại Gia Lai, Công ty cổ phần thương mại Sabeco Tây Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên…

Gia Lai on dinh thi truong hang hoa dip Tet Nguyen dan Tan Suu 2021 hinh anh 2 Hàng hóa được bày bán dồi dào phục vụ người dân Gia Lai mua sắm. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Hiện hàng hóa phục vụ Tết đang được bày bán khá dồi dào, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng đáp ứng tốt mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dự báo, những ngày cận Tết sức mua sẽ tăng lên kéo theo giá cả sẽ có biến động, tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã nắm chắc quy luật cung cầu từng thời điểm nên đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng lượng hàng hóa để đáp ứng nhanh cho thị trường, do đó các mặt hàng cung ứng vẫn trong tầm kiểm soát.

Chị Phạm Thị Thúy Liễu, một người dân ở huyện Chư Prông chia sẻ, "Năm nay tôi thấy các mặt hàng Tết của Gia Lai rất đa dạng, phong phú. Siêu thị Co.op Mart là nơi gia đình tôi rất tin cậy và thường xuyên mua sắm ở đây vì tin tưởng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, cũng như cách bảo vệ thực phẩm ở đây giúp tôi yên tâm. Về giá cả phải chăng, không cao, các chương trình khuyến mãi tôi thấy rất hài lòng".

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, ông Bùi Quốc Bình, Giám đốc Siêu thị Co.op Mark Pleiku (Gia Lai) khẳng định, năm nay sức mua hàng hóa không hơn năm trước, tuy nhiên để tránh tình trạng khan hàng sốt giá, đơn vị đã chủ động dự trữ hàng hóa bằng với năm ngoái khoảng 120 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn dự phòng trong tổng kho để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh phức tạp và đảm bảo kịp thời cung ứng cho người dân khi có tình huống xấu xảy ra. Nhóm hàng chủ lực của Co.op Mark Pleiku ưu tiên dự trữ là các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm công nghệ, hàng tươi sống, rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm các loại…Ngoài ra, các mặt hàng thời trang, quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm…cũng được Co.op Mark Pleiku đảm bảo nguồn cung đầy đủ với giá cạnh tranh hơn so với thị trường.

Cùng với việc cam kết đảm bảo đầy đủ số lượng, chất lượng các mặt hàng với giá cả hợp lý, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh còn bố trí 100 đầu xe các loại phân phối hàng cho các đại lý bán lẻ để hàng Việt về với nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con. Cùng với đó, để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao ở vùng nông thôn như: gia vị, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm,…, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát gắn với thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ngay tại cơ sở. Từ đó, giúp ổn định thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Đinh Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Quảng lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết: Hàng hóa đang được tiêu dùng ở vùng nông thôn chủ yếu là hàng đóng gói sẵn, được cung cấp nhỏ lẻ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng, hàng giả,... Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng này, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với UBND các xã kiểm soát chặt các nguồn hàng thông qua các đơn vị giao hàng. Qua đó, nếu phát hiện vi phạm sẽ cùng với công an xã xử lý hành chính nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh nhận định, hiện nay trên thị trường, một số mặt hàng tiêu dùng thực phẩm như bánh kẹo phục vụ Tết có dấu hiệu tăng nhẹ, tuy nhiên mức tăng này nằm trong sự kiểm soát. Đến giờ phút này hàng hóa phục vụ người dân mua sắm Tết trên địa bàn rất phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng và không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

"Trên cơ sở chuẩn bị ổn định lượng hàng hóa dồi dào, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng các phương tiện để đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Chính phủ, của tỉnh về mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, việc kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp phải gắn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt", ông Binh khẳng định.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện tình hình mua sắm của người dân diễn ra bình thường. Tuy nhiên, dự báo những ngày tới, giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nhẹ như: thị lợn tăng khoảng 6,5%; thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, bia, bánh kẹo và mứt các loại sẽ tăng 3% đến 5%; các mặt hàng rau củ quả tăng từ 5% đến 7%,…Tuy nhiên, việc sốt giá sẽ không xảy ra do nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện khá dồi dào. Do đó, mọi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, sáng suốt lựa chọn cho mình những mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Nguyễn Hoài Nam


Tin liên quan

Gia Lai phát huy vai trò đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số

Là người con của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đã có nhiều ý kiến đóng góp, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đến với nghị trường Quốc hội. Đại diện cho gần 50% dân số tại Gia Lai là người dân tộc thiểu số, bà Ksor H’Bơ Khăp kỳ vọng "Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" mà Quốc hội đã thông qua sẽ thúc đẩy sự phát triển chung cho từng hộ gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây.


Vận dụng hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phóng viên TTXVN tại Gia Lai đã có cuộc trao đổi với Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên, về hiệu quả của các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.


Thanh niên dân tộc thiểu số Gia Lai sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc

Cùng với thanh niên cả nước, thanh niên tỉnh Gia Lai hăng hái, sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, năm 2021, số lượng thanh niên người dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai nhập ngũ nhiều hơn các năm trước, là bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số; đồng thời cho thấy sự quan tâm, sát sao của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai.


Gia Lai kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa vùng nông thôn, miền núi

Gia Lai là tỉnh miền núi, địa bàn rộng với đa số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thực tế này kéo theo các nguồn hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho người dân chủ yếu chỉ được cung cấp nhỏ lẻ, manh mún khiến tiềm ẩn cao nguy cơ kém chất lượng, gian lận thương mại gây thiệt hại lâu dài cho dân.



Đề xuất