Gia Lai là tỉnh miền núi, địa bàn rộng với đa số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thực tế này kéo theo các nguồn hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho người dân chủ yếu chỉ được cung cấp nhỏ lẻ, manh mún khiến tiềm ẩn cao nguy cơ kém chất lượng, gian lận thương mại gây thiệt hại lâu dài cho dân.
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao ở vùng nông thôn như: gia vị, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm,… lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát gắn với thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ngay tại cơ sở. Từ đó, giúp ổn định thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tại thị trấn Chư Sê, nơi tập trung khá nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ và thu hút đông đảo người dân các xã lân cận đổ về mua sắm nhộn nhịp. Do đó, chất lượng hàng hóa luôn là mối quan tâm đặc biệt của người dân nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Trang ở làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng (Chư Sê) chia sẻ, mỗi khi đi mua hàng, chị luôn kiểm tra thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng và nhà cung cấp trên bao bì để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình.
Bà Dương Thị Quỳnh Hoa, chủ tạp hóa Khánh An, thị trấn Chư Sê cho biết, nơi đây là vùng nông thôn nên người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, để tạo niềm tin và thu hút khách hàng, các cửa hàng ưu tiên nhập những mặt hàng phải có ngày sản xuất, xuất xứ rõ ràng; cơ sở sản xuất phải có giấy kiểm định; giá cả phù hợp với người tiêu dùng vùng nông thôn.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 1.800 cơ sở kinh doanh, qua đó đã phát hiện hơn 1.230 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng đã tổ chức 3 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng vật phẩm đến 154 cơ sở kinh doanh; ký gần 900 bản cam kết về niêm yết giá đầy đủ, bán đúng giá niêm yết, bán hàng hóa phải có đủ chứng từ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng; dán hơn 4.600 tờ áp phích tuyên truyền tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh;…
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tỉnh Gia Lai còn tích cực tổ chức các hội chợ triển lãm; gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP; phiên chợ nông sản an toàn hướng về cơ sở,… Thông qua các chương trình này đã giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nhận biết được nguồn gốc sản phẩm với giá cả hợp lý. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp sạch và người dân trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hướng ứng vì sức khỏe cộng đồng.
Ông Đinh Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, đa số hàng hóa tiêu dùng ở vùng nông thôn là hàng đóng gói sẵn và được phân phối thông qua các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng, hàng giả,...
Để hạn chế tối đa tình trạng này, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, thời gian qua lực lượng đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã kiểm soát chặt các nguồn hàng thông qua các đơn vị giao hàng. Qua đó, nếu phát hiện vi phạm sẽ cùng với công an xã xử lý hành chính nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Lựa chọn thực phẩm an toàn là lựa chọn thông minh để phòng tránh ngộ độc, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình. Do đó người tiêu dùng cần tìm đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm có thương hiệu, uy tín để chọn cho mình các mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra cho gia đình và cộng đồng.
Nguyễn Hoài Nam