Trước và sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian cao điểm về vi phạm an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lấy mẫu để xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
* Trong dịp trước và sau Tết, công tác thanh tra của Bộ NN&PTNT sẽ được tập trung ở những lĩnh vực nào, để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân an tâm đón Tết, thưa ông?
- Bộ NN&PTNT xác định, phải hướng dẫn người nông dân sản xuất an toàn thì mới có sản phẩm an toàn để tiêu dùng. Bộ cũng sẽ chú trọng tăng cường khâu lấy mẫu giám sát, xem sản phẩm có an toàn hay không và công nhận những cơ sở an toàn. Từ nay tới Tết Nguyên đán, Bộ sẽ tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, không theo kế hoạch. Cách đây một tuần, thanh tra Bộ kết hợp với C49 (Bộ Công an) thanh tra 20 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại 6 tỉnh. Tổng số mẫu lấy kiểm tra là 126, sẽ sớm có kết quả để đánh giá lại về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có chuyển biến hay không. Lực lượng thanh tra các cục, tổng cục như: Cục Thú ý, Cục Quản lý chất lượng… cũng phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra liên ngành.
|
Bộ NN&PTNT cũng đã hướng dẫn các tỉnh gắn logo nhận diện cho sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được các cơ quan xác nhận an toàn sẽ được lưu thông toàn quốc. Cơ quan nào xác nhận thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về chất lượng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, sẽ tăng cường kiểm tra các loại sản phẩm người dân tiêu thụ nhiều như: Giò, chả, giá đỗ… Sản phẩm nhập khẩu cũng được tăng cường giám sát.
* Vừa qua, nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện và xử lý, nhưng dư luận cho rằng, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là mức phạt chưa đủ sức răn đe. Vừa qua, có doanh nghiệp vi phạm đã bị phạt tới 470 triệu đồng nhưng vẫn không ngăn chặn được vi phạm. Vì vậy, khi phát hiện sai phạm, ngoài phạt tiền, chúng tôi có thể áp dụng các hình thức bổ sung như tạm dừng sản xuất, tiêu hủy sản phẩm, mạnh hơn nữa là rút giấy phép của doanh nghiệp. Trong trường hợp, một nhà máy thức ăn chăn nuôi đang sản xuất, tự nhiên dừng sản xuất khoảng 2 tháng, đồng thời bị công khai thông tin sai phạm khiến khách hàng trả hàng về, thiệt hại sẽ rất lớn.
Hơn nữa, theo Luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua, tại Điều 317 có quy định các tổ chức, cá nhân tổ chức, kinh doanh buôn bán, sử dụng chất cấm, chỉ cần có hành vi vi phạm là có thể hình thành phạm tội. Còn Luật Hình sự trước kia, tại Điều 155, để chứng minh được là vi phạm rất khó, nên tỷ lệ số vụ vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi bị đưa ra xét xử hình sự rất ít. Tôi hy vọng từ 1/7/2016, khi Luật Hình sự mới có hiệu lực thì sức răn đe sẽ lớn hơn.
* Ngoài tăng cường kiểm tra dịp Tết, Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để hạn chế thấp nhất các rủi ro về an toàn thực phẩm giúp người dân tiếp cận được thực phẩm sạch tốt hơn trong năm 2016, thưa ông?
- Bộ NN&PTNT xác định thanh kiểm tra vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo chất lượng nông sản cho người dân. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo 63 tỉnh thành tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đến nay, theo kết quả từ 59 địa phương đã gửi báo cáo về bộ, qua tiến hành thanh tra 49.451 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 10.165 cơ sở vi phạm. Trong đó, vấn đề bức xúc nhất qua thanh tra là vi phạm trong lĩnh vực phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Xác định năm 2016 là Năm An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT tiếp tục tiển khai các giải pháp quan trọng như: Hướng dẫn người nông dân cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh sản xuất theo tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP; thường xuyên tổ chức các đoàn đi lấy mẫu giám sát; tổ chức xác nhận cho các cơ sở đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn…
* Xin cảm ơn ông!
H.V (thực hiện)
(TTXVN)