Vận dụng hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai

Vận dụng hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phóng viên TTXVN tại Gia Lai đã có cuộc trao đổi với Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên, về hiệu quả của các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

* Xin ông đánh giá tổng quan những kết quả đạt được của các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể khẳng định rằng 118 chính sách dân tộc miền núi đã bao phủ hầu hết trên tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên, diện mạo các buôn làng, cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi… đổi thay theo hướng tích cực, so sánh với cách đây vài chục năm là một kỳ tích.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nổi bật là: Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, góp phần làm cho tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

Cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế và những đặc thù của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Chỉ thị số 12, ngày 13/2/2018 về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là yếu tố, là nền tảng quan trọng tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, dân trí… đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Chất lượng giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, các thôn, làng ở xa trung tâm xã đã có điểm trường. Đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên về số lượng, nâng cao về chất lượng, cán bộ, giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,28% (khoảng 2.576 người). Hầu hết người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh.

Công tác xóa đói, giảm nghèo được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1%, đến năm 2020 giảm còn dưới 6,25%. Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư, nhiều thôn, làng, xã đã có nhà văn hóa. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; hạn chế được một số tiêu cực, thủ tục rườm rà; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, làng, buôn (bôn) của mình.

Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thể hiện sự vận dụng hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc; sự nỗ lực của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, điều đó cũng cho thấy niềm tin ngày càng vững chắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Với những kết quả đó, địa phương có những kiến nghị, đề xuất gì với Đại hội về định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới, thưa ông?

Cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với những kỳ vọng, tin tưởng son sắt vào Đảng; tin tưởng Đại hội sẽ thành công và sẽ là dấu mốc mới trên chặng đường đưa đất nước ta, dân tộc ta phát triển hùng cường, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.

Nhân dân tỉnh Gia Lai nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu trên địa bàn tỉnh nói riêng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tại Đại hội này, các đại biểu sẽ sáng suốt bầu ra các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hành động, kỷ cương, liêm chính, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; có đủ đức và tài thực sự, là tinh hoa, rường cột của đất nước; gia đình gương mẫu không suy thoái, tham nhũng. Đây là những vấn đề cốt tử để bồi đắp thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính là tài sản vô giá cho Đảng ta giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước và trường tồn. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai mong muốn, kỳ vọng, cùng với Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thảo luận, đưa ra quyết sách cho Tây nguyên và cho Gia Lai phát triển bền vững.

Từ tình hình thực tế ở địa phương, tỉnh Gia Lai kiến nghị với Trung ương một số vấn đề sau:

Một là, lấy tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là xuyên suốt trong chủ trương, đường lối, chính sách nhằm phát huy lợi thế đất đai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo. Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các điều kiện tự nhiên như rừng, thác, hồ, khí hậu ưu đãi, kết hợp kinh tế tổng hợp với phát triển du lịch.

Hai là, có ưu đãi về đất đai, thuế, vốn nhằm thu hút các doanh nghiệp thực sự có năng lực, có tâm, có tầm, chủ đạo, dẫn dắt tạo ra sức lan tỏa trong sản xuất và trong các chuỗi giá trị sản phẩm. Quan tâm hỗ trợ kịp thời các nguồn lực cho địa phương để triển khai Đề án của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ba là, tiếp tục bảo vệ phát triển rừng tự nhiên, nhất là rừng phòng hộ, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý, đảm bảo người dân thực sự được hưởng lợi từ rừng. Xây dựng hệ thống các hồ, đập, các công trình thủy lợi hợp lý để phục vụ sản xuất, đời sống.

Bốn là, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, mở rộng sân bay Pleiku cũng là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và phát triển du lịch.

Năm là, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao dân trí, thay đổi, nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên trong cuộc sống; từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và hoàn thành các mục tiêu khác mà nghị quyết của Đảng đề ra.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm