Gà đỏ được nuôi bằng cám ngô đến khi được 3 tháng tuổi sẽ chuyển sang thả rông. Ảnh: Nam Sương - TTXVN |
Nằm ở phía Nam thành phố Tuyên Quang, xã An Khang có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 600 ha, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; trong đó, có nghề chăn nuôi gia cầm.
Gia đình anh Nguyễn Hồng Thái, thôn An Lộc A, xã An Khang, là hộ đầu tiên nuôi gà đỏ của xã. Sau khi tìm hiểu trên internet, gia đình anh chọn nuôi gà đỏ và lấy giống ở Duy Tiên, Hà Nam. Theo anh Thái, gọi là gà đỏ vì giống gà đỏ được nuôi theo phương thức thả rông khi trưởng thành da gà sẽ dày, có màu đỏ thẫm, rất khỏe mạnh, ít bệnh tật nên giảm thiểu được chi phí đầu tư và công chăm sóc. Đặc biệt, khi ăn da gà có độ giòn, mùi thơm đặc trưng, khác hẳn với những giống gà phổ biến hiện nay.
Giống gà đỏ có những đặc điểm khá giống với gà chọi. Ảnh: Nam Sương - TTXVN |
Để duy trì và phát triển đàn con giống, hiện nay gia đình anh Thái đang tự tạo giống, tỷ lệ gà ấp thành công đạt 80%. Hiện đàn gà của gia đình anh Thái có hơn 2.000 con. Khi xuất chuồng, mỗi con gà có trọng lượng trung bình khoảng 2,5 kg, giá thị trường khoảng 150 ngàn đồng/kg. Gà của gia đình anh Thái thường xuyên cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khác. Hàng năm, gia đình anh thu nhập từ bán con giống và gà thịt trên 300 triệu đồng. Trong tương lai, nếu duy trì được hiệu quả và thu nhập như hiện nay, anh sẽ mở rộng đàn gà lên khoảng 5.000 con.
Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Trường Thi B, xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) cũng là một hộ nuôi gà đỏ chia sẻ, sau khi được tham quan trang trại gà nhà anh Thái, anh Thành cũng quyết tâm chuyển hướng sang nuôi gà đỏ. Hiện gia đình anh đang nuôi trên 1.000 con gà, trong đó có 800 con gà đẻ trứng và gần 200 con gà đỏ, cho thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm. Theo anh Thành, nhờ những thuận lợi về điều kiện khí hậu, với hình thức chăn thả bán công nghiệp, không chỉ gà đỏ mà các giống gà khác của gia đình nuôi cũng đều cho chất lượng thịt rất cao. Con gà đỏ có khả năng sinh trưởng rất ổn định, giống khỏe, được thị trường đón nhận.
Gà đỏ được nuôi theo phương thức thả rông. Ảnh: Nam Sương - TTXVN |
Hiện nay, tổng đàn gà của xã An Khang ước đạt trên 30.000 con, tập trung tại các thôn Trường Thi A, Trường Thi B, An Lộc A. Trên địa bàn xã đang có 3 mô hình chăn nuôi gà quy mô gia trại, với số lượng khoảng 6.000 con. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, xã An Khang còn tập trung phát triển một số loại hình sản phẩm nông nghiệp khác như: nhãn chất lượng cao, mía nguyên liệu, chè Bát Tiên, chăn nuôi trâu, bò, lợn, vịt đẻ trứng, nuôi cá, sản xuất lúa chất lượng cao, mở rộng quy hoạch phát triển vùng rau an toàn.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết, đối với sản phẩm gà đỏ Đồng Dầy, đang trong quá trình phát triển nên cách thức chăn nuôi vẫn chỉ ở quy mô gia trại. Xã đã tổ chức đưa nông dân đi tham quan, tìm hiểu các mô hình nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao để học tập, ứng dụng phát triển đàn gà của địa phương. Đồng thời, xã tuyên truyền, vận động bà con chuyển sang nuôi gà sạch, hỗ trợ bà con mở rộng các mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn gà, đặc biệt là sản phẩm gà đỏ Đồng Dày để sớm thành một nhãn hiệu OCOP trong những năm tiếp theo. Qua đó, chăn nuôi gia cầm sẽ góp phần ổn định thu nhập cũng như nâng cao đời sống người dân.
Giống gà đỏ có những đặc điểm khá giống với gà chọi. Ảnh: Nam Sương - TTXVN |
Thời gian tới, xã An Khang sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn gia cầm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, gia trại, kinh tế hộ gia đình nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gia cầm sạch từ chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm đến tiêu thụ sản phẩm, để đưa thương hiệu Gà đỏ Đồng Dầy đến với người tiêu dùng tỉnh Tuyên Quang nói riêng và hướng tới thị trường cả nước.
Nam Sương