Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế ngành hàng sen Đồng Tháp, ngày 18/5, tại Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Theo thống kê, hiện nay diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp là 1.800 ha với hơn 100 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm từ sen; có 59 sản phẩm sen đạt OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ 3-4 sao. Giá trị sản xuất ngành hàng sen hàng năm tỉnh Đồng Tháp thu về trên 1.900 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp về phát triển vùng nguyên liệu, quy trình canh tác bền vững, hướng đến chất lượng cao cho thấy, vùng trồng sen của tỉnh tập trung tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông. Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn tỉnh đạt 1.800 ha; hiện tại đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen. Đặc biệt, giống sen trồng phổ biến nhất tại Đồng Tháp là giống sen hồng, sen lấy gương, sen lấy ngó.
Về quy trình canh tác bền vững, hướng tới chất lượng cao đảm bảo quá trình sản xuất sen được thực hiện một cách an toàn và tuần hoàn, từ việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cho đến xử lý và tái chế chất thải. Các biện pháp bảo vệ môi trường cần được tích hợp từ giai đoạn lập Kế hoạch đến vận hành hàng ngày. Ngoài sản phẩm sen chế biến thức ăn, nước uống còn các sản phẩm tiềm năng từ sen như dùng trong mỹ phẩm như nước hoa sen, son sen; gia dụng hàng ngày gồm xà phòng sen, hương thắp sen hay dùng trong may dệt may, thời trang (tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi)….
Hiện nay, vùng trồng sen có diện tích khoảng 152 ha tại khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, với 10 điểm du lịch sen thuộc 3 xã Mỹ Hòa, Trường Xuân và Tân Kiều; các điểm sen du lịch này đều xuất phát từ đất của chính người dân và họ khai thác trồng sen phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Trung bình một tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách. Đã thực hiện bản đồ số về sen với thể hiện các nội dung về vùng trồng, cơ sở chế biến, kinh doanh, địa điểm du lịch...xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “Đất Sen Hồng”.
Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều đặc sản độc đáo và có tiềm năng; trong đó, có các món ẩm thực từ sen vô cùng hấp dẫn và đa dạng, đã xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới với 200 món ăn chế biến từ sen, xây dựng bản đồ sen và sách về Sen Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen – hành trình phát huy giá trị nhằm quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp đến tất cả bạn bè trong nước và quốc tế biết đến Đồng Tháp là thủ phủ Đất sen hồng.
Đặc biệt, Đồng Tháp có nhiều sản phẩm từ các bộ phận của cây sen đã được phát huy giá trị mang lại lợi ích cho sức khỏe và nâng cao đời sống cho người dân. Từ đó, góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp đa giá trị hơn, phù hợp với xu hướng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh hiện nay.
Giáo sư, TS Phan Thị Thu Hiền – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Đồng Tháp rất phong phú các tài nguyên tự nhiên và nhân văn để xây dựng du lịch sen độc đáo, giàu sức cạnh tranh so với các địa phương cả nước. Tuy nhiên, du lịch sen Đồng Tháp hiện nay mới chỉ giới hạn ở du lịch sinh thái, với những điểm ngắm hoa mà sản phẩm, dịch vụ còn tương đối đơn giản và có phần đồng nhất hóa. Trên cơ sở tham khảo lý luận và kinh nghiệm du lịch nông nghiệp ở các nước thành công trên thế giới, có thể suy ngẫm chiến lược nâng cao chuỗi giá trị để phát triển du lịch sen. Cùng đó, nâng cao chuỗi giá trị bao gồm nâng cấp sản phẩm, nâng cấp quy trình, nâng cấp chức năng và nâng cấp liên lĩnh vực giúp phát triển bền vững du lịch sen góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu địa phương.
Theo ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn ISM, với giải pháp mở rộng và tiếp cận khách hàng mới, cơ hội hợp tác quốc tế và xuất khẩu sen. Vừa qua tỉnh Đồng Tháp xuất lô hàng củ sen đầu tiên sang Nhật Bản với số lượng 15, đánh dấu mốc đưa sản phẩm sen thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính của thế giới với giá trị gần 1 tỷ đồng.
Đa số các tham luận cho rằng ở Đồng Tháp các bộ phận của sen đều được khai thác để chế biến thành các sản phẩm; trong đó, lá sen (27 %), hạt sen (23%), hoa sen (22%) là 3 bộ phận được chế biến thành các sản phẩm nhiều nhất. Còn lại là các bộ phận như: gương sen, củ sen, thân sen, ngó sen được sử dụng còn hạn chế.
Quan sát tại sơ đồ chi tiết, có thể thấy hiện nay cây sen được khai thác nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống. Tiếp đến là ngành thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm trong các ngành khác như: dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, môi trường, quà lưu niệm… chưa đa dạng về sản phẩm. Một số sản phẩm chế biến sâu, khai thác tinh chất vẫn còn chưa được phát triển mạnh mà đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển và có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, cây sen còn được khai thác tăng thêm giá trị trên một diện tích canh tác bởi mô hình sen – cá và 2 lúa 1 sen nhằm tận dụng lợi thể đặc điểm sinh trưởng của từng đối tượng tương hỗ góp phần giảm chi phí và tăng chất lượng thành phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, với lợi thế đặc thù về tiềm năng thế mạnh kinh tế và văn hóa, chuỗi giá trị sen của Đồng Tháp đã được những bước tiến đang kể nhưng để tăng giá trị gia tăng và chế biến sâu các mặt hàng chất lượng, kể cả thương mại hóa, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, nhất là các thị trường khó tính, ngành hàng sen Đồng Tháp hiện chưa đáp ứng như kỳ vọng tương xứng với vị thế tiềm năng địa phương.
Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà bảo tồn, doanh nghiệp và người trồng sen Đồng Tháp đã đề xuất các ý tưởng mới, mô hình hay, cách làm phù hợp để đưa ngành hàng sen phát triển hiệu quả bền vững theo định hướng phát triển. Nhiều sản phẩm mới đang được doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu theo tín hiệu của thị trường mang tính ứng dụng cao như than hoạt tính từ gương sen, nhựa sinh học từ sợi thân sen hay tinh dầu sen, cao sen… Đây là những sản phẩm tiềm năng lớn tạo sức đột phá lớn bằng việc kết hợp giữa khoa học công nghệ vào trong cây nông nghiệp đặc trưng bản địa góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi giá trị sen.
Nguyễn Văn Trí