Nằm ở phía Đông của tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Kar có diện tích tự nhiên 103.747 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 55.000 ha, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm khoảng 50% cơ cấu kinh tế của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Đắk Lắk và Chương trình số 14 của Huyện ủy Ea Kar về nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghệp bền vững, huyện Ea Kar đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện… tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đó là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác; tập trung tổ chức sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, chất lượng; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ hiệu quả hoạt động đối với hình thức tổ chức sản xuất, như hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác…
Cây lúa được xem là cây nông nghiệp chủ lực, huyện Ea Kar đã thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, thương hiệu “Gạo 721” của địa phương đã khẳng định được vị trí trên thị trường gạo trong nước. Nhiều hộ trồng lúa được địa phương hỗ trợ đã mở rộng vùng trồng với đầu ra ổn định.
Ngoài ra, nhiều Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được thành lập để phát triển các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như ca cao, vải, nhãn. Nông sản sau thu hoạch đều được thu mua tại vườn sau đó được sơ chế để nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến xuất khẩu. Một số loại cây trồng dược liệu sẵn có tại địa phương cũng được triển khai nhân rộng mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Chị La Thị Thùy Linh ở thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar chia sẻ: Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi chuyển sang trồng vườn ca cao. Ca cao thu hoạch được HTX đến tận nơi thu mua, nên không lo lắng về đầu ra cho nông sản. Thu nhập gia đình tăng cao hơn trước và có cuộc sống ổn định.
Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, độc canh cây, đến nay, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar ngày càng đa dạng, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ea Ô, Ea Păl, Cư Ni, Cư Elang, Ea Kmút; vùng trồng cây ăn quả bưởi, cam, quýt, vải, nhãn… ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ea Tíh, Ea Sar, Ea Sô; vùng sản xuất rau, củ quả, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ea Kmút, Ea Păl, Xuân Phú, Cư Elang, Cư Bông; vùng chăn nuôi heo tại các xã Ea Tíh, Ea Kmút, Ea Sar, Ea Sô; vùng chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà thịt, gà lấy trừng…. Ngoài ra huyện còn có vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất giống thủy sản tại xã Cư Ni; nuôi cá lồng nước ngọt tại các xã Cư Yang, Cư Elang…
Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân cũng đã mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy phun thuôc, máy cày, máy kéo… Đến nay, tỷ lệ cơ hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Ea Kar đạt trên 80%.
Sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu cũng trở thành hướng đi phát triển giúp tạo công ăn việc làm cũng như kinh tế gia đình cho người dân. Ảnh: Ngọc Đức
Sản phẩm trà thảo mộc của cơ sở sản xuất Xuân Sang ở xã Ea Ô được huyện hỗ trợ trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện. Ảnh: Ngọc Đức
Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết: Huyện chú trọng công tác đầu tư về khoa học công nghệ, cơ giới hóa và hỗ trợ các hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như trang bị máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, sạ lúa, tưới nước… cũng như các loại máy móc chế biến sản phẩm ca cao để tăng giá trị sản phẩm cho nông sản.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của huyện Ea Kar đạt 5,9%, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt hơn 8.900 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân đầu người của huyện đạt 135,68 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo chuẩn giới mới còn 10,2%, bình quân hằng năm giảm trên 3% và huyện Ea Kar đã có 3 sản phẩm được cấp tỉnh chứng nhận OCOP 3 sao, 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sản phẩm OCOP 5 sao cấp huyện.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các nông sản chủ lực đã góp phần vào tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân tại huyện Ea Kar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Hoàng Tâm