Bắc Giang phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng

Bắc Giang phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tại các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh của địa phương.

Bắc Giang phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng ảnh 1Sản phẩm Sâm Nam núi Dành được chính quyền địa phương chọn là sản phẩm tiềm năng để phát triển. Ảnh: Danh Lam -TTXVN

Trong nhóm sản phẩm chủ lực, Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất trồng lúa khoảng 48.748 ha; sản lượng 582,8 nghìn tấn. Diện tích lúa chất lượng 55 nghìn ha, sản lượng gần 357,5 nghìn tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và cung cấp cho thị trường bên ngoài. Tỉnh phát triển sản xuất gạo hữu cơ ở các vùng sinh thái phù hợp; tăng cường chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lúa gạo, các vùng sản xuất lúa đặc trưng của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển cây lúa theo không gian quy hoạch đã được phê duyệt; trong đó, vùng đồng bằng tập trung phát triển các khu cánh đồng lớn canh tác lúa 2 vụ; vùng đồi núi phát triển các khu lúa nước tập trung tại các khu vực thung lũng lòng chảo giữa núi, xen kẽ đồi có tưới, tiêu chủ động và bán chủ động. Đối với khu vực đồi núi vùng cao, thung lũng nhỏ hẹp, chủ yếu phát triển các điểm đồng ruộng sản xuất lúa quy mô nhỏ phù hợp với điều kiện địa bàn phục vụ đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho các khu dân cư thôn, bản, hộ gia đình.

Đến năm 2030, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh Bắc Giang dự kiến khoảng 55.000 ha, tập trung phát triển các vùng sản xuất vải thiều, cây có múi (cam, bưởi), nhãn, cây na, dứa, ổi... chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với trung tâm là các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Sơn Động, Hiệp Hòa...

Bắc Giang phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng ảnh 2Thu hoạch vải chín sớm tại xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Bắc Giang duy trì ổn định và phát triển đàn lợn dao động từ 1-1,2 triệu con, tập trung chủ yếu các huyện có tốc độ phát triển đàn lợn cao như Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn...; sản lượng thịt hơi ước đạt 180 nghìn tấn.

Bắc Giang phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Đến năm 2030, tổng đàn gia cầm của tỉnh dự kiến đạt từ 22 - 25 triệu con, tập trung chủ yếu tại các huyện: Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Lạng Giang, Sơn Động...; sản lượng thịt hơi trên 50 nghìn tấn, 300 triệu quả trứng...

Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương (sản phẩm OCOP), Bắc Giang phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương theo hướng đạt chuẩn sản phẩm OCOP nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bắc Giang phấn đấu phát triển, tiêu chuẩn hóa tối thiểu 25-30 sản phẩm/năm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 350 sản phẩm OCOP, thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc; trong đó có khoảng từ 3-5 sản phẩm 5 sao; trên 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao…

Từ năm 2019 đến nay, Bắc Giang đã rà soát hiện trạng đất đai, lợi thế của từng địa phương để xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, gồm: 151 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích là 21.702 ha; 77 vùng sản xuất rau tập trung với diện tích 7.787 ha; 9 vùng sản xuất lạc tập trung với diện tích 1.918 ha; 41 vùng sản xuất vải tập trung với diện tích 21.219 ha; 9 vùng sản xuất cam tập trung với diện tích 2.750 ha; 16 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích 4.034 ha; 13 vùng sản xuất cây ăn quả khác tập trung với diện tích 4.440 ha; 9 vùng sản xuất dược liệu tập trung với diện tích 1.200 ha; 3 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với diện tích 76 ha...; 21 vùng chăn nuôi lợn, với tổng đàn 1,5 triệu con; 31 vùng chăn nuôi gà, với tổng đàn 23,5 triệu con; 21 vùng chăn nuôi trâu, bò, với tổng đàn 101.200 con; 16 vùng chăn nuôi dê với tổng đàn 42.100 con; 10 vùng chăn nuôi ong với tổng đàn 115.500 đàn; 34 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 2.035 ha; 14 vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung với diện tích 80.000 ha...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành vùng sản xuất vải thiều, cây có múi (cam, bưởi) chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa; trong đó diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 15.340 ha (chiếm 54,2% tổng diện tích), diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.669 ha, diện tích bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.224 ha. Sản lượng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 150.000 tấn, chiếm 69,4% tổng sản lượng...

Bắc Giang phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng ảnh 3 Phơi Mỳ Chũ tại Hợp tác xã sản xuất Mỳ Chũ Xuân Trường, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm OCOP; trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, thuộc tốp đầu các tỉnh trong cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 có 4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, gồm: vải thiều Lục Ngạn, rượu làng Vân, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế.

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm